<div> <div> <p>Trình bày tờ trình của Chính phủ về luật Cư trú sửa đổi tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 22.4, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc T.Ư so với đăng ký thường trú vào tỉnh.</p> <p>Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.</p> <p>Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả. Tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc T.Ư vẫn rất cao.</p> <p>"Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội", ông Lâm nói và cho biết, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc T.Ư đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.</p> <p>Do đó, Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư.</p> <p>"Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc", ông Lâm cho hay.</p> <p>Cùng với việc này, dự thảo luật quy định bãi bỏ quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở thủ đô tại khoản 3, khoản 4 điều 19 luật Thủ đô.</p> <p><strong>Lo sợ gây quá tải các thành phố lớn</strong></p> <p>Trình bày báo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban này tán thành với tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố đó.</p> <p>Tuy nhiên, theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ các điều kiện này vì nhiều chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa… đang gắn với quyền lợi của người đăng ký thường trú.</p> <p>Khi cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các thành phố trực thuộc T.Ư so với các địa phương khác đang còn có sự chênh lệch đáng kể thì vẫn cần thiết duy trì những điều kiện đăng ký thường trú riêng nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.</p> <p>Ngoài ra, báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động cũng chưa làm rõ những vấn đề này nên chưa có cơ sở để xem xét, quyết định việc sửa đổi như đề xuất trong dự thảo luật.</p> <p>Xin được giải trình ngay trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, Hiến pháp 2013 quy định cư trú là quyền hợp pháp của công dân, do đó, không có biện pháp gì để ngăn cấm, kể cả thủ đô.</p> <p>"Trước đây vận dụng việc này coi đây là biện pháp hành chính, coi đây là hạn chế người dân tập trung về thủ đô là không hiệu quả. Người chưa đăng ký thường trú mà vẫn tạm trú lên tới hàng triệu người, không cách gì quản lý và ngăn chặn được", ông Lâm nói, và cho rằng, nếu muốn hạn chế thì phải bằng biện pháp khác, tốc độ đô thị hóa cao lên chứ coi việc đặt điều kiện riêng là biện pháp thì không hợp lý, không thực hiện Hiến pháp cũng như thực tế.</p> </div> </div>