<div> <p><b>Bỏ điều kiện riêng về thường trú</b></p> <p>Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ban soạn thảo cho rằng, đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.</p> <p>Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra đồng tình với việc sửa đổi này. Song Uỷ ban Pháp luật lưu ý, hộ khẩu còn còn liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch… Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời để không gây xáo trộn lớn, cần hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.</p> <div> <div><img alt="Đề xuất bãi bỏ sổ hộ khẩu - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/24/image3-tienphong-vn_bo_truong_bo_cong_an_to_lam1_ophg.jpg" /><span>Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm. Ảnh: Nhật Minh</span></div> </div> <p>Về điều kiện đăng ký thường trú, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công an, thực tế quy định này không phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn vẫn rất cao. Trong lần sửa đổi này, Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương và dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này.</p> <p><b>Đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND</b></p> <p>Cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Tại dự thảo, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).</p> <p>Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh, đã là mô hình mới thì đời sống mọi mặt của người dân được tăng lên, vấn đề bộ máy phải tinh gọn và hướng đến xây dựng chính quyền điện tử. Đặc biệt, đại biểu Vũ Trọng Kim còn đề xuất thí điểm bầu Chủ tịch UBND trực tiếp theo chế độ phổ thông đầu phiếu, để người dân lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương.</p> <p>Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cho rằng, việc thí điểm lần này phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho chủ tịch thành phố có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được. “Tất nhiên, chúng ta nằm trong hệ thống chính trị thì có Đảng bộ rồi đến HĐND. Tuy nhiên, để tạo điều kiện, có sức mạnh thì tôi cho là phải bầu trực tiếp”, ông Thắng nêu quan điểm.</p> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p>Uỷ ban Pháp luật đề nghị không thí điểm giao chính quyền thành phố Đà Nẵng (đại diện là Chủ tịch UBND thành phố) thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố mà chỉ giao quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quy hoạch của thành phố rất quan trọng, phải được kiểm soát chặt chẽ, không để phá vỡ quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.</p> </blockquote> </div> <p> </p> </div> <p> </p>