Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã ký Tờ trình số 450/TTr - CP gửi Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (sân bay Long Thành).
Nội dung chính của Tờ trình bao gồm 4 nội dung chính là chấp thuận hình thức đầu tư; điều chỉnh diện tích đất giai đoạn I từ 1.164ha lên khoảng 1.810ha; điều chỉnh diện tích 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 và số 2 vào Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Liên quan đến hình thức đầu tư, Tờ trình phân chia các công trình tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành thành 4 hạng mục chính. Trong đó, hạng mục 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, công an địa phương, công an cửa khẩu, cảng vụ hàng không, kiểm dịch y tế có chi phí khoảng 152,2 tỷ đồng. Hạng mục 2 - các công trình phục vụ quản lý bay có tổng mức đầu tư 3.457 tỷ đồng. Hạng mục 3 - các công trình thiết yếu của cảng hàng không gồm các công trình hạ tầng chung, công trình khu bay, khu hàng không dân dụng có tổng mức đầu tư 89.838 tỷ đồng. Và hạng mục 4 - các công trình dịch vụ (hệ thống tra nạp nhiên liệu, nhà ga hàng hóa số 2, khu bảo dưỡng thiết bị mặt đất, bảo trì tàu bay, khu logistics hàng không…) có tổng mức đầu tư 11.787,4 tỷ đồng.
Tờ trình cũng đề xuất ACV sẽ đóng vai trò chính trong việc đầu tư các hạng mục chủ chốt nhất tại Dự án. Cụ thể, ACV được giao đầu tư toàn bộ hạng mục 1, sau đó sẽ cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 sẽ giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 3 sẽ giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Đối với hạng mục 4, Chính phủ kiến nghị giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư theo quy định của pháp luật.