Cho học sinh nghỉ trở lại ngay ngày đầu đi học
Cụ thể, theo thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, có 11 trường hợp cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh đang được cách ly theo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nguyên nhân xuất phát từ học sinh Trường THPT Hoàng Lệ Kha (huyện Hà Trung) đi từ Đài Loan trở về địa phương ngày 27/2.
Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Hà Trung đã yêu cầu học sinh này tự cách ly ở nhà 14 ngày và cử nhân viên y tế địa phương giám sát theo quy định. Thời điểm cách ly từ ngày 27/2.
Ngoài ra, có 10 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trẻ mầm non, học sinh tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về địa phương cũng phải tiếp tục theo dõi, cách ly.
Cụ thể, đối với khối Phòng GD&ĐT, tại huyện Ngọc Lặc có 3 trường hợp tiếp xúc với người nhà từ Hàn Quốc trở về địa phương. Hiện chính quyền địa phương đang theo dõi và tiến hành cách ly tại gia đình từ ngày 25/2.
Huyện Hà Trung có 2 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 1 học sinh (cả 3 trường hợp cùng ở một gia đình) tiếp xúc với người nhà từ Hàn Quốc trở về địa phương từ ngày 25/2.
Tại các trường THPT, các trường: THPT Tĩnh Gia 3 (huyện Tĩnh Gia), THPT Hà Văn Mao (huyện Bá Thước), THPT Cẩm Thủy 1 (huyện Cẩm Thủy), THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn) cũng có học sinh tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về.
Trong đó, tại trường THPT Tĩnh Gia 3 có 1 học sinh tiếp xúc với anh trai là du học sinh từ Seoul (Hàn Quốc) trở về địa phương và du học sinh này có các biểu hiện ho, sốt.
Trường THPT Hà Văn Mao có 1 học sinh tiếp xúc người từ Nhật Bản trở về địa phương cũng có các biểu hiện ho, sốt.
Tại tỉnh Sơn La, sau 1 tháng nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, toàn bộ HS-SV Sơn La đã đi học trở lại vào ngày 2/3. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên đi học trở lại, có 5 lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường Cao đẳng Y tế Sơn La có biểu hiệm viêm đường hô hấp (ho, không sốt).
Ngay trong tối 2/3, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đã ký quyết định tiếp tục cho HS-SV, học viên trên địa bàn tỉnh này nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19.
Theo công văn, toàn bộ học sinh khối mầm non, tiểu học, THCS, THPT, học viên giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục được nghỉ học từ ngày 3/3, đến 17/3.
5 trường hợp lưu học sinh Lào nhập cảnh qua cửa khẩu Chiềng Khương (huyện Sông Mã) trở lại học tập có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp. Lực lượng chức năng đã đề nghị các lưu học sinh này quay về nước để phòng, tránh dịch Covid-19.
Nâng cao ý thức, khai báo y tế trung thực
Bắt đầu từ ngày 2/3, học sinh khối THPT tỉnh Bắc Ninh bắt đầu đi học trở lại. Trao đổi với PV KH&ĐS, một giáo viên ở Bắc Ninh cho biết, trong tuần đầu đi học trở lại, lớp cô đã có 3 học sinh bị ốm, sốt phải nghỉ học. Trong số đó, có 1 em đã đi học trở lại. Còn 2 em vẫn đang nghỉ học.
“Tôi nói với học sinh cần theo dõi sát sức khỏe. Nếu có các triệu chứng ho, khó thở… lập tức phải đi khám. Tuy nhiên, thông tin từ phía học sinh cho biết, em mới chỉ bị đau rát họng. Cho nên em vẫn đang tự theo dõi tại gia đình”, giáo viên này cho biết.
Cũng theo giáo viên này, khi cho học sinh đi học trở lại, bản thân cô rất lo lắng, vì thực sự, việc theo dõi sức khỏe học sinh đầu giờ sáng cũng khó thực hiện chỉn chu. Lý do là vì học sinh quá đông, nếu đứng xếp hàng đo nhiệt độ thì muộn mất giờ học. Các giáo viên chỉ khuyến cáo học sinh, tự theo dõi sức khỏe của mình, nếu thấy không ổn thì nghỉ học hoặc báo với giáo viên.
“Việc đi học trở lại lần này thành công hay thất bại phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Đặc biệt là với các học sinh có tiếp xúc với những người từ vùng dịch về. Hoặc có đi qua vùng dịch thì phải khai báo y tế trung thực. Nếu mỗi cá nhân không nâng cao ý thức phòng chống dịch, trước hết là cho mình, sau đó là vì cộng đồng thì sẽ khó đảm bảo an toàn trong trường học”, giáo viên này chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, việc khai báo y tế rất quan trọng. Các nhà trường cần tuyên truyền để phụ huynh và học sinh thấy được vai trò quan trọng của việc làm này và khai báo thông tin y tế nghiêm túc.
Việc khai báo y tế cần khai rõ các thông tin: Học sinh và các thành viên trong gia đình có đến các vùng đang có dịch Covid-19 trong 14 ngày vừa qua không? Học sinh và gia đình có tiếp xúc với những người nghi ngờ nhiễm Covid-19? Hiện tại, tình trạng sức khỏe của học sinh và những người trong gia đình thế nào, có các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, đau họng... không?...
Và việc khai báo này phải được thực hiện trước khi học sinh đi học trở lại. Khi học sinh đã đi học trở lại rồi, thì việc khai báo này không còn nhiều ý nghĩa. Ví dụ như trường hợp học sinh ở Thanh Hóa hay Sơn La, học sinh chưa khai báo thông tin y tế, khi đi học trở lại bị sốt thì việc xử lý sẽ gặp nhiều rủi ro, khó kiểm soát tốt được so với việc nếu biết trước.
Cho nên, phụ huynh, học sinh và giáo viên phải liên hệ chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế.
Theo nhiều giáo viên, kiểm soát được việc khai báo y tế còn quan trọng hơn cả việc đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng hay khử khuẩn trường học. Bởi vì, trong môi trường học đường, nếu một em bị bệnh sẽ khó giữ được không lây nhiễm cho các em khác. Vì thế, việc sàng lọc, sớm cách ly được nguồn có nguy cơ ngay từ đầu sẽ giúp an toàn hơn rất nhiều.
Sinh viên Hoàng Xuân Thường, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Em cảm thấy rất lo, bởi lớp em học cũng có bạn đến từ các tỉnh khác nhau. Và đã xuống đến đây rồi thì em không muốn nghỉ học trở lại, quay về gia đình, bởi sợ lây cho người thân. Cho nên, em mong tất cả các bạn đều thực hiện phòng tránh dịch Covid-19 thật tốt. Việc phòng tránh dịch thành công hay thất bại, theo em phụ thuộc rất lớn vào ý thức, sự trung thực của mỗi người.