Tai nạn ngay từ ngày đầu nghỉ học
Bé Nguyễn Gia Huy (4 tuổi ở Hà Nội) đã bị ngã dẫn tới rách cằm, phải khâu 6 mũi.... ngay từ ngày đầu tiên trong đợt nghỉ học để phòng chống dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
“Nhà nồm ẩm, mấy đứa trẻ đang chơi với nhau. Bỗng thằng anh hù em, em vùng lên chạy, trượt chân ngã đập thẳng mặt xuống nền nhà. Cú ngã mạnh khiến vùng cằm bị rách. Tôi phải đưa bé đến viện khâu cấp cứu. Cũng may, mà không ảnh hưởng phần đầu. Con được nghỉ học thì vơi hẳn nỗi lo con bị lây nhiễm bệnh trong đợt dịch, nhưng ở nhà cũng đau đầu vì giữ an toàn cho các con”, chị Thu Hiền, mẹ của bé Gia Huy chia sẻ.
Bé Gia Huy bị tai nạn rách cằm ngay ngày đầu nghỉ học phòng chống dịch virus corona. |
Việc các con được nghỉ học để phòng chống dịch đã khiến không ít gia đình rơi vào tình huống “đau đầu” giống như gia đình chị Thu Hiền.
Ngay từ đầu tuần, nhà chị Bích Thảo (Hà Nội) giống như một lớp học mẫu giáo nho nhỏ. Là một giáo viên mầm non, trong đợt dịch này, trừ hôm phải đi trực, còn chị Thảo được ở nhà. Những gia đình phải đi làm, không có người trông con đành mang con sang gửi cô giáo Thảo trông giúp. Để các con không nghịch ngợm, cô cũng tiến hành dạy, kể chuyện… như ở trong lớp học,
Một số gia đình ở thành phố phải nhờ ông, bà, họ hàng… lên gấp để trông cháu. Đối với những gia đình ông, bà không lên thành phố được thì lại phải gửi con về quê.
Chị Vân Anh (quê Thái Nguyên) chia sẻ, tối 2/2, vợ chồng chị đưa con từ Thái Nguyên về Hà Nội, để ngày 3/2 cho con đi học theo đúng lịch nghỉ Tết của học sinh Hà Nội. Nhưng vừa về tới Hà Nội thì nghe tin con được nghỉ học một tuần để phòng tránh dịch bệnh do virus Corona gây ra.
“Nghe con được nghỉ học thì mừng quá. Nhưng giá như Sở GD&ĐT Hà Nội có quyết định sớm hơn thì tôi sẽ để cháu luôn ở quê, đỡ vất vả. Đằng này nhà không có người trông, sáng sớm hôm sau tôi lại phải ra bến xe khách, gửi hai con về quê”, chị Vân Anh than thở.
Lưu ý để trẻ an toàn
Trao đổi với KH&ĐS về việc làm sao để giữ an toàn cho trẻ trong thời gian trẻ nghỉ học “tạm thời” do dịch bệnh, ông Lê Gia Tiến, Phó ban Chỉ đạo, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, mỗi gia đình sẽ có những hoàn cảnh khác nhau nhưng trong lúc này phải khắc phục khó khăn một cách tốt nhất.
Học sinh Hà Nội đã được nghỉ để phòng chống dịch. Ảnh KH&ĐS. |
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ cần có người tin tưởng trông giữ trẻ, không nên để trẻ lớn trông trẻ bé, tránh xảy ra những tai nạn không mong muốn.
Những phụ huynh cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết không chỉ việc phòng dịch bệnh, lẫn những kỹ năng an toàn trong cuộc sống.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có ba lưu ý trong việc chăm sóc trẻ trong giai đoạn dịch bệnh.
Đầu tiên, là phải giáo dục cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, điều này rất quan trọng, không những là phòng được corona mà còn phòng được nhiều bệnh khác.
Hai là hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là với những người lạ, và người vừa đi du lịch về. Tránh cho trẻ tiếp xúc với nơi đông người.
Thứ ba, nếu trẻ bất cứ dấu hiệu nào thì phải báo ngay với cơ quan y tế và kiên quyết không để cho trẻ tới trường học. Điều này nhằm bảo vệ cho cả cộng đồng nữa.
Ông Long cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với cơ chế lây bệnh của virus corona, khẩu trang chỉ bảo vệ được phần nào thôi, chứ không phải là “cứu tinh” chống virus xâm nhập.
Ở những vùng có nắng, gió thì không nhất thiết phải dùng khẩu trang. Bởi virus này nhạy cảm với nhiệt độ cao, tia cực tím, với nắng, cả với gió. Trong gia đình, cần mở cửa thông thoáng khí. Cần chú ý tới vệ sinh bề mặt. Thường xuyên lau rửa dụng cụ, bàn ghế bằng những chất sát khuẩn thông thường đang sử dụng.
Các bác sĩ, chuyên gia y tế cho biết, những ca bệnh tử vong ở Vũ Hán (Trung Quốc) do virus corona chủ yếu là người cao tuổi, có sẵn bệnh nền. Để phòng chống bệnh, điều quan trọng cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn đủ chất, uống nhiều nước.
Nên chọn những loại đạm dễ tiêu, thức ăn được nấu chín bởi dụng cụ nấu ăn sạch sẽ, vệ sinh. Cần bổ sung rau củ, trái cây, đặc biệt là những trái cây giàu vitamin C, vitamin A có trong các loại quả họ cam, chanh, hoặc các loại rau lá xanh đậm, củ quả màu đỏ… vào bữa ăn cho trẻ.
Cho trẻ ăn những thức ăn giúp bạch cầu hoạt động tốt hơn như kẽm, selen, các loại thịt, các loại hạt, những thức ăn có tinh dầu giúp sát trùng đường hô hấp. Đặc biệt là cho trẻ ngủ đủ giấc.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1/2020 ngày 5/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán cụ thể. Chủ tịch UBND các địa phương cân nhắc. Có thể cho các cháu nghỉ thêm 1, 2 tuần, cùng với đó phải thực hiện khử trùng phòng học".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để học sinh nghỉ học 1 tuần cần thiết để phòng tránh dịch, khử trùng trường lớp, trang bị trang thiết bị y tế sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Học sinh có thể học bù vào thứ 7, chủ nhật. Trong trường hợp nghỉ kéo dài, Bộ phải điều chỉnh thời gian năm học, có thể kết thúc dài hơn. Việc thi học kỳ có thể phải điều chỉnh theo. Học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảo bảm chương trình học, đảm bảo an toàn cho học sinh.