<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Đề thi Toán lớp 10 tại Hà Nội: “Câu hỏi nhẹ nhàng, phổ điểm 7,5-8 điểm” - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/18/icdn-dantri-com-vn_dethitoan-1595043604763.jpg" title="Đề thi Toán lớp 10 tại Hà Nội: “Câu hỏi nhẹ nhàng, phổ điểm 7,5-8 điểm” - 1" /></figure> <p><strong>Về đề thi Toán vào lớp 10 tại Hà Nội, Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI</strong> nhận định: Cấu trúc đề thi từ bài 1 - 4 giống đề thi năm 2019, tuy nhiên không thấy xuất hiện đồ thị hàm bậc hai cũng như tam thức bậc hai.</p> <p>Mặc dù đây là đơn vị kiến thức rất quan trọng trong chương trình học kỳ II nhưng năm nay có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không đưa vào trong đề thi. </p> <p>Bài số 5 là một bài về phương trình vô tỉ nhưng vẫn dùng kiến thức về bất đẳng thức như các năm trước. </p> <p>Các đơn vị kiến thức xuất hiện trong đề thi: </p> <p>Bài 1: (2 điểm ) Căn thức và các bài toán liên quan </p> <p>Bài 2: (2 điểm) 1) Giải bài toán bằng cách lập phương trình (toán chuyền động); 2) Ứng dụng của hình không gian trong thực tế </p> <p>Bài 3 (2,5 điểm) 1) Giải hệ phương trình; 2) Đồ thị hàm số (đồ thị hàm bậc nhất) </p> <p>Bài 4 (3 điểm) Hình học </p> <p>Bài 5 (0,5 điểm) Giải phương trình vô tỉ. </p> <p>Đề thi mới có ứng dụng thực tế của hình không gian mà chưa mạnh dạn cho nhiều bài toán ứng dụng thực tế hơn. Ví dụ như bài toán về ứng dụng của hàm số, các bài toán về tài chính, những bài toán này xuất hiện nhiều trong cuộc sống và hi vọng rằng đề thi năm sau sẽ có nhiều sự đổi mới hơn. </p> <p>Đề thi đảm bảo kiến thức theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT </p> <p>Nhìn chung đề thi năm nay có sự đổi mới so với nhiều năm trước, đã cho những bài toán về ứng dụng của hình không gian. Đề thi cũng điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh do học sinh nghỉ học nhiều ở học kỳ II nên một số đơn vị kiến thức được tập trung kiểm tra ở học kỳ I.</p> <p>Mức độ đề thi nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái. Phổ điểm năm nay sẽ cao hơn, phổ biến ở mức 7-8 điểm. GiÁo viên cũng mong đề thi năm sau có nhiều bài toán ứng dụng thực tế hơn. </p> <p><strong>Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam</strong> cũng đánh giá: Đề có cấu trúc tương tự các năm trước, nhẹ nhàng hơn so với các năm trước, thiếu vắng phần định lý Vi-ét thay phân loại bằng bất đẳng thức bởi phương trình vô tỷ. Đề phù hợp với đa số học sinh. Sẽ có nhiều điểm cao. Phổ điểm sẽ rơi nhiều vào 7,5-8 điểm. Cụ thể:</p> <p>Bài 1: Bài về biểu thức cơ bản tương tự như những năm trước, học sinh dễ dàng lấy điểm câu hỏi. Cấu trúc giống hệt đề thi thử đã triển khai.</p> <p>Bài 2: Ý 1: Giải toán bằng cách lập phương trình quen thuộc; ý 2: Hình học không gian, chỉ cần nắm công thức là làm được</p> <p>Bài 3: Ý 1: Hệ phương trình bậc 1 có đặt ẩn phụ; Ý 2: Hàm bậc nhất đã học từ kỳ I , đây là câu dễ nhưng sẽ có học sinh “lệch tủ” vì tập trung vào phương trình bậc 2 và định lỳ Viet (những phần hay ra trong đề thi vào 10 những năm trước).</p> <p>Bài 4 về hình học phẳng, với 2 ý đầu rất dễ và học sinh sẽ dễ lấy điểm 2 ý này.</p> <p>Ý 3 có tính phân loại, mặc dù không quá khó, học sinh thường có tâm lí bỏ qua ý cuối của câu hỏi này (với học sinh thi vào các trường công lập nói chung).</p> <p>Bài 5: Khác với các năm trước, câu cuối thường là về bất đẳng thức, năm nay là một câu về phương trình vô tỉ, giải bằng phương pháp nhân liên hợp, có tính phân loại cao, dành cho các bạn học sinh có năng lực tốt.</p> <p><strong>Nguồn: Hệ thống giáo dục HỌC MÃI</strong></p> </div> <p> </p>