Đề thi Sinh giống 80% đề ôn tập, chờ trả lời của Bộ trưởng trước cử tri

Nội dung ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) được chỉ ra giống đề thi chính thức đến 80%. Đây được cho là điều bất thường. Giáo viên chờ câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong phiên đăng đàn chất vấn ngày mai, 11/11.

“Vô tình” trúng đến 80% là điều bất thường, rất khó xảy ra

Trao đổi với PV KH&ĐS, thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại hệ thống giáo dục Học mãi cho biết, một đề thi ôn tập mà giống đề thi tốt nghiệp THPT chính thức đến 80 - 90 %, từ kênh chữ đến kênh hình là điều bất thường.

Về vấn đề này, thầy Phan Khắc Nghệ đã có trả lời trên báo chí. Trong đó, thầy Nghệ có lý giải, đề thi cũng phát triển từ nội dung SGK, thầy Nghệ giảng bài cũng phát triển kiến thức sách giáo khoa, 2 nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau.

Tuy nhiên, thầy Hiền cho rằng, việc trùng một vài câu có thể xảy ra, nhất là đối với giáo viên luyện thi lâu năm. Nhưng trùng tới trên 80%, từ cấp độ dễ tới cấp độ khó thì phải giải thích thế nào?

de-thi-sinh-giong-80-.png
Thầy Hiền cho biết, đây là câu hỏi chưa từng xuất hiện trong bất kì tài liệu nào có trong đề thi THPT 2021 và đề ôn tập ngày cuối cùng của thầy Nghệ trước khi thi 1 ngày. Ảnh: NVCC.

“Một ngân hàng đề thi của Bộ có hàng nghìn câu hỏi, thế nhưng trong hàng nghìn câu hỏi đó mà đề ôn tập lại có thể đoán trúng, tương đồng đến trên 80% đề thi tốt nghiệp THPT thì đó là điều quá đỗi lạ lùng.

Đó là chưa kể có câu hỏi chưa từng xuất hiện trong bất cứ tài liệu nào, và là kiểu câu hỏi mới xuất hiện trong đề thi năm nay. Đề thi THPT là bí mật Nhà nước dạng tuyệt mật nên dù bất cứ lý do gì việc tương đồng quá lớn này không thể chấp nhận được,” thầy Hiền nói.

Phản ánh tới KH&ĐS, nhiều giáo viên cũng cho biết, theo kinh nghiệm dạy học nhiều năm của họ cùng sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia thì rất khó, hầu như không thể có sự trùng hợp “vô tình” mà lại gần như “chuẩn xác” đến như vậy.

Theo đó, giáo viên có thể ôn luyện cho học trò giống dạng bài, nhưng cho học sinh làm đề ôn tập mà hôm sau đi thi hoàn toàn không sai một dấu chấm, dấu phẩy, một hình ảnh, một câu từ nào so với đề chính thức, lại còn trùng với số lượng lớn thì đây là vấn đề phải xem xét.

Đặc biệt, còn chưa kể đến với những câu ở mức vận dụng cao, với giáo viên bình thường phải mất 5-7 phút mới làm được. Trong khi đó, một giáo viên lại có thể dạy cho học sinh, ngày mai đi thi nếu đề hỏi thế này thì khoanh thế này, mã đề kia thì khoanh thế kia, chỉ 15-30 giây là xong thì hoàn toàn có thể đặt câu hỏi nghi vấn.

Có thể làm thay đổi số phận hàng nghìn học sinh

Theo các giáo viên, sự việc đề ôn tập giống tới 80% đã gây băn khoăn cho rất nhiều giáo viên và học sinh trên cả nước.

Bởi vì, sự việc xảy ra đã lâu, họ đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Bộ GD&ĐT cũng như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía Bộ.

bo-truong-nguyen-kim-son(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

“Tôi đã gửi thư cho đích danh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từ tháng 7, nhưng đã gần 4 tháng trôi qua rồi, vẫn không có hồi âm”, một giáo viên cho biết.

Theo giáo viên này, trông “bề ngoài” có vẻ như sự việc đang trôi trong im lặng, nhưng bên trong là những cơn "sóng ngầm" bức xúc của rất nhiều giáo viên và học sinh.

Bởi vì, một sự việc bất thường, dù thế nào cũng cần có câu trả lời rõ ràng từ phía nhà quản lý.

Giả sử, nếu là đề ngẫu nhiên trùng thật, thì cũng đặt câu hỏi về việc, Bộ GD&ĐT đã mất rất nhiều tiền, công sức để xây dựng ngân hàng đề, vậy mà lại để giáo viên “đoán trúng” được như thế, thì giá trị của ngân hàng đề đến đâu? Cần phải điều chỉnh thế nào?

Còn trong tình huống có sự gian lận, thì lại càng phải làm rõ, minh bạch. Bởi nó sẽ gây mất công bằng cho cả một kỳ thi quốc gia, có thể làm thay đổi số phận cả ngàn thí sinh "học thật, thi thật" và những giáo viên "dạy thật".

Sẽ có những thí sinh bỏ rất nhiều công sức học hành, chỉ chênh một số điểm rất nhỏ đã trượt, phải “nhường” lại cơ hội cho những bạn học thật “dễ dàng”. Cũng có thể có những thí sinh có quan điểm không cần học nhiều nữa, chỉ chờ vào học “lớp VIP” như vậy là có thể “đoán trước” đề, được điểm cao.

Nghiêm trọng hơn, giả sử trong trường hợp xấu nhất là có sự gian dối, những thí sinh dùng điểm “ảo” tổ hợp có môn Sinh để xét tuyển vào ngành Y, thì hệ lụy của những bác sĩ đã trúng tuyển không bằng năng lực thật của mình sẽ vô cùng lớn, nguy hiểm cho xã hội.

Thầy giáo Đinh Đức Hiền chia sẻ, thầy cũng đã gửi tâm thư lên Bộ trưởng, cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến vụ việc nhưng đã tròn 4 tháng cũng chưa có câu trả lời.

Một sự việc gây bức xúc, hoang mang trong cộng đồng giáo viên, học sinh nghi vấn về sự gian dối mà không được giải quyết triệt để, rõ ràng thì sẽ gây xói mòn niềm tin vào chính quan điểm “học thật, thi thật” mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn theo đuổi.

“Ngày mai, 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Tôi cùng rất nhiều giáo viên và học sinh mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ có câu trả lời về vụ việc này. Rất mong sẽ đưa được vấn đề này lên trước diễn đàn Quốc hội, dù câu trả lời thế nào cũng cần sự rõ ràng, minh bạch, vì một môi trường công bằng trong giáo dục”, thầy Hiền nói.

Vào tháng 7, mạng xã hội xôn xao về đề ôn tập môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó Trường THPT chuyên Hà Tĩnh giống đến 80% đề thi Tốt nghiệp chính thức. Trước ngày thi Tốt nghiệp THPT chính thức, thầy Nghệ đã tổ chức buổi livestream tổng ôn cho môn Sinh (bao gồm 1 video củng cố kiến thức trọng tâm phát ngày 5/7 và 1 video chữa đề khóa luyện thi VIP ngày 7/7). Dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ liệu là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có lý do nào khác. Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có câu trả lời chính thức về vụ việc.

Theo Đời sống
back to top