Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, bộ môn công nghệ hoá học, khoa Hoá, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngoài việc làm thủ công dễ nhiễm khuẩn, nếu sữa của người mẹ mang bệnh thì khi tắm cho trẻ, mầm bệnh này sẽ xâm nhập vào đứa trẻ. Ví dụ, nếu người mẹ mang trong người vi khuẩn lao, virus viêm gan B, tụ cầu khuẩn, virus cự bào và nhiễm HIV hoặc thường xuyên dùng thuốc, kháng sinh, nghiện chất kích thích (cà phê, thuốc lá,…). Khi chế biến xà phòng, vi khuẩn vẫn có thể lưu lại trong xà phòng thành phẩm. Còn nếu sữa mẹ chế biến không đảm bảo, protein trong sữa biến đổi thành những chất gây độc cho da sẽ làm cho da bị kích ứng, ngứa. Thậm chí, khi tắm cho trẻ sơ sinh, những chất này thẩm thấu qua lỗ chân lông, vào mạch máu có thể gây phù thanh quản gây nguy hiểm tới hệ hô hấp của trẻ.
Thực tế, thành phần chủ yếu để tạo xà phòng là các este của axit béo trong dầu dừa, khi nấu với xút sẽ tạo ra xà phòng (muối của các axit béo). Phần sữa mẹ cho vào chỉ chứa rất ít các este nói trên, nên ảnh hưởng tốt hay xấu khó đánh giá được. Cũng chưa thể nói xà phòng từ sữa mẹ thì an toàn vì không ai đảm bảo các quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đây, do công nghệ chưa phát triển, người ta có sử dụng sữa bò để làm xà phòng nhưng không phát huy hiệu quả, mùi hôi. Còn bây giờ, với công nghệ hiện đại, xà phòng chủ yếu là hỗn hợp gồm chất tạo bọt, chất tẩy rửa, hương liệu tạo mùa thơm, về cơ bản có tác dụng diệt khuẩn chứ không có tác dụng dưỡng da hay chữa bất kỳ loại bệnh ngoài da nào.