Đề nghị xử lý hình sự với quảng cáo sai sự thật

Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt những quảng cáo sai sự thật trên mạng, thậm chí phải xử lý hình sự.
Quảng cáo tràn lan, sai sự thật, người nổi tiếng quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm… đã khiến nhiều người bức xúc. Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, cần tăng hình phạt, thậm chí có xử lý hình sự đối với những quảng cáo sai sự thật.
DBQH: De nghi xu ly hinh su voi quang cao sai su that
Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mai Loan.
Tăng hình phạt lên xử lý hình sự với quảng cáo xuyên tạc
Một trong những nội dung tại Luật Quảng cáo (sửa đổi) được cử tri quan tâm là quảng cáo trên mạng Internet. Thực tế, thời gian qua, không ít những vụ việc quảng cáo trên mạng Internet khiến người dân bức xúc. Quan điểm của ông thế nào?
Chúng ta sống trong thời đại Internet, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, kinh tế số, kinh tế tri thức là sự phát triển tất yếu của thế giới, không chỉ ở lĩnh vực quảng cáo, mà còn xâm nhập vào mọi mặt đời sống xã hội. Như vậy, chúng ta phải chấp nhận việc quảng cáo và cũng như các thông tin trên mạng Internet.
Hiện nay, quảng cáo trên mạng Internet chiếm phần rất lớn vì nhanh, đơn giản, tiếp cận lượng người xem lớn, kịp thời. Nhưng hạn chế của quảng cáo trên mạng Internet là phụ thuộc vào chủ quan của người quảng cáo. Các cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, kiểm soát nội dung quảng cáo. Trong khi đó, người quảng cáo thì luôn muốn nói rằng hàng hóa của mình là tốt nhất.
Để chung sống, người dân cần phải có kiến thức nhất định, biết phân biệt đúng sai. Cùng với đó, cần có cơ chế kiểm soát bằng công cụ pháp luật.
Cụ thể, cần chế tài thế nào, thưa ông?
Theo tôi, trong một điều luật phải đảm bảo được 3 nội dung: Quy định, giả định và chế tài. Theo đó, về quy định là được làm gì và không được làm gì. Giả định nếu trong trường hợp người ta vi phạm hay không vi phạm. Còn chế tài là nếu vi phạm thì xử lý thế nào.
Chẳng hạn, với quảng cáo, sai một chút là khác với bản chất. Còn với quảng cáo xuyên tạc đường lối của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ hình ảnh các lãnh đạo, truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc… không chỉ xử phạt hành chính mà còn cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với tình trạng quảng cáo không phù hợp, những thông tin xấu độc chèn lẫn vào các trang chính thống, theo ông, cần có giải pháp gì?
Thực tế có hiện tượng các quảng cáo chèn vào các trang chính thống, thậm chí cài cả những quảng cáo với nội dung sai lệch, nhưng nhiều khi máy chủ đặt ở nước ngoài, chúng ta không thể can thiệp được. Đây là vấn đề tội phạm trong lĩnh vực mạng. Để phòng chống được không phải đơn giản, đòi hỏi phải có cả một bài toán về mặt công nghệ, lực lượng, phương tiện kỹ thuật cũng như năng lực, trình độ của cán bộ. Đồng thời, phải tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này.
Chưa dùng sản phẩm mà nói đã dùng là lừa đảo
Không ít những vụ lùm xùm trong quảng cáo liên quan đến người nổi tiếng. Theo ông, cần có quy định thế nào để tránh việc người nổi tiếng lợi dụng danh tiếng đánh lừa người tiêu dùng?
Tôi cho rằng, với người nổi tiếng, họ hoàn toàn có quyền quảng cáo vì luật không cấm. Việc này cũng vừa tốt cho sản phẩm, vừa là thu nhập hợp pháp của họ. Vấn đề là quảng cáo phải đảm bảo 3 tiêu chí: đúng chất lượng hàng hóa, đúng sự thật; các hình ảnh quảng cáo không được trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống và không được xâm phạm tới bất kỳ lợi ích của tổ chức, cá nhân nào.
Để có được điều đó, phải có quy định hết sức chặt chẽ, phải tăng hình phạt lên. Đối với các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực kinh doanh, hãy đánh ngay vào túi tiền của họ. Nếu quảng cáo sai có thể tạm ngừng sản xuất, thu hồi hàng hóa. Kể cả trong trường hợp chất lượng sản phẩm tốt, nhưng quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng chất lượng cũng cần xử phạt.
Cùng với đó, những nhà quảng cáo, sản xuất hàng hóa phải nâng cao lương tâm, trách nhiệm của mình. Hàng hóa tốt thì nói tốt, còn chưa thì phải nói đúng sự thật, phản ánh đúng chất lượng, chứ không nói vống lên, nói sai sự thật… Các nghệ sĩ cũng cần nâng cao đạo đức, lương tâm của mình khi làm quảng cáo, đừng vì tiền mà quảng cáo sai sự thật. Chẳng hạn, nói rằng sản phẩm này rất tốt nhưng thực ra chưa dùng bao giờ, thì không nên. Cho dù, có bao nhiêu bộ ngành, điều luật đi chăng nữa, nhưng nếu không có sự tự giác cũng vẫn xảy ra sai phạm. Đương nhiên, nếu có sự quản lý tốt hơn, làm chặt chẽ hơn thì sai phạm sẽ ít hơn.
Một trong những điểm mới gây tranh cãi trong dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) là quy định cụ thể người nổi tiếng phải sử dụng trực tiếp sản phẩm quảng cáo, bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin quảng cáo. Quy định này đã gây nhiều tranh cãi. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi cho rằng, không nên quy định bắt buộc người nổi tiếng phải dùng sản phẩm quảng cáo. Chẳng hạn, khi quảng cáo về một loại mỹ phẩm làm đẹp da, nhưng loại này không hợp với da của người quảng cáo thì không nên bắt họ phải dùng.
Nếu cấm, thì có thể như Thái Lan, cấm các nhà chính trị, từ Thứ trưởng, Bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội… tham gia quảng cáo.
Tuy nhiên, khi chưa dùng thì không được nói là đã dùng rồi, hoặc chỉ dùng một lần thì không được nói là rất tốt, đó là lừa đảo, gian dối.
Ngay kể cả khi dùng rồi, căn cứ khoa học nào để nói rằng, do dùng sản phẩm này mà sức khỏe tốt lên như vậy, phải có hội đồng kiểm nghiệm. Thay vào đó, chỉ được quảng cáo theo những tiêu chuẩn, chất lượng đã được kiểm nghiệm, công bố, tức là nói thay mặt nhà sản xuất, chứ không phải dưới góc độ trải nghiệm của bản thân.
Bản thân đại biểu có tham gia làm quảng cáo không?
Tôi cho rằng, tôi cũng có thể làm quảng cáo rất tốt nhưng tôi phải dành thời gian cho rất nhiều việc, trong đó có tập trung nghiên cứu pháp luật, xây dựng luật…

Một trong những nội dung gây chú ý của Luật Quảng cáo (sửa đổi) là bổ sung về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, yêu cầu rõ trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. Cụ thể, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các trách nhiệm như: Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng có trách nhiệm như: Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm...

Mời độc giả xem thêm video: Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường trao đổi về Luật Quảng cáo (sửa đổi). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện,
Theo Đời sống
back to top