Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh việc biên soạn và thẩm định sách giáo khoa rất quan trọng, mỗi cuốn sách có hàng triệu học sinh mỗi thế thệ sẽ sử dụng.
Các Hội đồng thẩm định phải đặc biệt quan tâm và bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí sách giáo khoa được quy định trong Thông tư 33 cũng như những chỉ báo mà Bộ đã xây dựng.
Với số lượng bản mẫu nhiều; khối lượng kiến thức lớn, đặc biệt đối với lớp 10 độ khó còn tăng lên, các hội đồng cần nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu chữ, kênh chữ, kênh hình của bản mẫu để loại bỏ tối đa những “hạt sạn” ngay từ vòng thẩm định 1.
Những bản mẫu “Đạt nhưng cần sửa chữa” hoặc “Không đạt”, Hội đồng cần trao đổi rõ để tác giả sách giáo khoa hiểu và chỉnh sửa phù hợp.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý độc lập từ các nhà khoa học, giáo viên… cho các bản mẫu sách giáo khoa, thêm kênh phản biện, giúp Hội đồng thực hiện tốt nhất hoạt động thẩm định, đánh giá chất lượng cuốn sách.
Trong tháng 9 và tháng 10/2021, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu tổ chức thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) của các lớp 3, 7, 10. Các lớp này sẽ áp dụng việc dạy học theo chương trình mới từ năm học 2022-2023.
Theo quy định, các thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa là những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, uy tín, được lựa chọn kỹ lưỡng.
Trong đó ít nhất 1/3 số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm văcxin, test Covid-19 cho những thành viên làm việc tập trung trực tiếp. Đảm bảo đường truyền ổn định cho các thành viên họp thẩm định trực tuyến.