Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lựa chọn hiện vật bảo đảm theo các tiêu chí hướng dẫn để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 13, năm 2024.
Đến nay, cơ quan được giao nhiệm vụ đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, báo cáo Hội đồng thẩm định hiện vật và Hồ sơ hiện vật, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024 cho hiện vật quý hiếm trên.
Tính đến tháng 10/2023, Bắc Ninh có 17 Bảo vật, nhóm Bảo vật Quốc gia gồm: Bộ tượng Phật Tam thế chùa Bút Tháp, Hương án chùa Bút Tháp và Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp (lưu giữ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành); Cửa võng đình Diềm; Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh; Tượng phật Adiđà (lưu giữ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du); Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay (lưu giữ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành);
Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh); Rồng đá (Xà thần) (hiện lưu giữ tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình); Ba pho tượng Tam Thế (hiện được lưu giữ tại chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành); Bộ tượng 10 linh thú Chùa Phật Tích; Cột đá chạm rồng chùa Dạm; Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu (hiện thờ tại Chùa Dâu, Chùa Phi Tướng, Chùa Dàn, huyện Thuận Thành); Mộc bản sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”; Thạp đồng văn hóa Đông Sơn (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng); Bia đá chùa Tĩnh Lự niên đại n1648 (hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, huyện Gia Bình); Tượng Quan thế âm chùa Cung Kiệm niên đại 1449 (hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm, huyện Quế Võ).
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (TP Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đó, ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua lại ấn từ nhà đấu giá Millon của Pháp, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.
Đại diện Cục Di sản văn hóa chia sẻ với Dân Việt, bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc. Đây là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam.
Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ấn vàng triều Nguyễn khắc bốn chữ Hán: 皇帝之寶 (Hoàng đế chi bảo) có chiều cao 10.4 cm, chiều rộng 13.8 cm, chiều sâu 13.7 cm, nặng 10.78 kg. Quai ấn hình rồng năm móng ở tư thế cuộn, đầu ngẩng cao, trán khắc chữ 王 (vương), đuôi uốn ra phía sau theo hình xoắn ốc.
Ấn vàng bao gồm một đế kép hình vuông xếp chồng lên nhau, chuôi có hình dạng của một con rồng với năm móng vuốt cuộn lại và đầu nhô lên mang ký tự 王 (có nghĩa là vua).
Sách Khâm định Đại nam Hội điển Sự lệ ghi chép về chức năng của ấn "Hoàng đế chi bảo" rằng công dụng của quốc bảo này là để tuyên bố mệnh lệnh phải tin, bảo rõ lời dạy phải làm, là đồ vật rất trọng mà điển lễ rất lớn. Như vậy, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được dùng vào dịp lễ Khánh tiết ban ân xá tội và dự bảo thân huân, đi tuần thú xem xét các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài.