“Tăng huyết áp tâm thu liên quan trực tiếp nguy cơ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, làm tăng 34% nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng 33% nguy cơ mắc bệnh mạch máu não và tăng 26% nguy cơ mắc suy tim”, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia nói.
Không chỉ gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim mà còn rất nhiều bệnh nguy hiểm
Anh Đ.V.H (40 tuổi, Hà Nội) có triệu chứng tức ngực, nghẹn thở, toát mồ hôi và nôn. Dù gia đình nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng bệnh nhân không qua khỏi vì bị vỡ động mạch chủ. Bác sĩ chẩn đoán do bệnh nhân chủ quan vì chỉ có chỉ số huyết áp tâm thu thỉnh thoảng lên cao nên không dùng thuốc.
Trường hợp khác, ông N.V.K. (49 tuổi, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông bị đột quỵ nhồi máu não. Người nhà cho biết, ông khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật, chỉ có một chỉ số huyết áp thỉnh thoảng cao lên > 140 mmHg nên không uống thuốc điều trị. Bác sĩ cho biết, chính vì ông chủ quan không điều trị THA tâm thu dẫn tới đột quỵ.
Can thiệp cứu bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện E |
Khảo sát của PV Khoa học & Đời sống tại các Trung tâm, tim mạch, đột quỵ lớn tại Hà Nội, ngày nào cũng có bệnh nhân bị đột quỵ do THA, trong đó nhiều người do chủ quan với tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
Những người dễ bị cao huyết áp
- Tuổi càng cao càng dễ bị tăng huyết áp: 3,3% ở độ 18-29 tuổi; 13,2% ở độ 30-39 tuổi; tăng dần đến 51% ở độ 60-74 tuổi; trung bình cứ tăng 10 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp tăng 5%.
- Giới nam hoặc nữ đã mãn kinh
- Tiền sử gia đình có người tăng huyết áp
- Béo phì, thừa cân
- Lối sống ít hoạt động thể lực
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn nhiều muối, ăn mặn
- Stress và căng thẳng tâm lý
- Uống nhiều rượu, bia: Uống hơn 60 g cồn mỗi ngày thì bị dễ tăng huyết áp gấp 1,5 lần người không uống.
- Bệnh thận mạn, đái tháo đường, hội chứng ngưng thở khi ngủ...
TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ tính riêng đột quỵ, mỗi năm thế giới có 15 triệu người, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi, nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).
Theo ước tính của WHO, hàng năm có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp, 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch trong đó khoảng 9,4 triệu ca tử vong do biến chứng của tăng huyết áp.
Tại Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức trung bình cứ 5 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh. Các bệnh tim mạch liên quan đến huyết áp đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia nhấn mạnh, mọi người mới chỉ quan tâm nhiều đến tăng huyết áp nói chung và còn chủ quan với THA tâm thu đơn độc (isolated systolic hypertension – ISH) xảy ra khi huyết áp tâm thu của một người liên tục cao hơn ngưỡng 140 mmHg, trong khi huyết áp tâm trương lại nằm trong ngưỡng cho phép (dưới 90 mmHg).
Tình trạng bệnh này đặc biệt phổ biến ở nhóm người ngoài 50 tuổi. Trên thực tế, nhiều thống kê cho thấy có đến 60% số người cao tuổi bị THA rơi vào trường hợp ISH. Mọi người thường ít để ý hoặc chủ quan với loại THA này mà không biết ISH vô cùng nguy hiểm, nhiều biến chứng hơn THA tâm trương đơn độc và tai biến xảy ra cũng dễ dàng hơn.
Nghiên cứu cho thấy, tăng huyết áp tâm thu liên quan trực tiếp với nguy cơ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, làm tăng 34% nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng 33% nguy cơ mắc bệnh mạch máu não và tăng 26% nguy cơ mắc suy tim.
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện E |
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng phân tích, tương tự như tăng huyết áp đơn thuần, trong ISH, áp lực tưới máu quá cao sẽ gây tổn hại cơ quan đích. ISH gây xơ vữa động mạch, khi chủ quan không biết hoặc không điều trị ISH tăng cao và tăng nhanh liên tục, gây vỡ mạch máu. Nếu vỡ mạch máu tại não thì gây ra xuất huyết não, bệnh nhân bị yếu liệt, nói khó hay nặng hơn là lú lẫn, hôn mê. Nếu bệnh nhân đã có phình bóc tách động mạch chủ trước đó, với áp lực máu lớn, nguy cơ vỡ động mạch chủ rất cao, bệnh nhân nhanh chóng tụt huyết áp và tử vong.
Áp lực dòng máu lớn cũng có thể gây bong tróc các mảng xơ vữa động mạch, làm tắc hẹp máu nuôi đến các cơ quan gây nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, ISH đột ngột còn gây phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, chảy máu mũi liên tục, xuất huyết võng mạc làm mù lòa... Nếu ISH cao âm ỉ kéo dài mà không phát hiện, điều trị sẽ gây suy tim mạnh, suy thận mạn, xơ vữa mạch máu, tổn thương võng mạc mắt, thùy não và chức năng tình dục…
Khó điều trị
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên nhân gây ra bệnh ISH vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi và biến đổi tùy theo đặc điểm của mỗi người. Trong phần lớn số trường hợp, bệnh hình thành do sự lão hóa của hệ động mạch khi cơ thể chúng ta già đi.
Ở người trên 50 tuổi, mạch máu bị xơ vữa là nguyên nhân chính khiến huyết áp tâm trương giảm xuống dưới 90 mmHg nhưng huyết áp tâm thu lại tăng lên trên 140 mmHg.
Nhiều người còn chủ quan với tăng huyết áp tâm thu đơn độc - Ảnh minh họa |
ISH có thể là hậu quả của những nguyên nhân thứ cấp như: Chứng thiếu máu, hiện tượng tăng hoạt ở tuyến giáp trạng hoặc thượng thận và thậm chí là cả bệnh ngưng thở lúc ngủ...
ISH có thể xuất phát từ tình trạng tăng huyết áp tâm trương kiểm soát kém ở những bệnh nhân tăng huyết áp vô căn lâu dài hoặc tiểu đường typ 1, loãng xương, vôi hóa thành mạch, xơ vữa mạch máu do bệnh thận mạn tính, bệnh mạch máu ngoại biên, nhiễm độc giáp, sự hình thành elastin biến đổi từ quá trình chậm tăng trưởng bào thai trong tử cung, hẹp eo động mạch chủ, lão hóa đoạn gần động mạch chủ,...
THA tâm thu đơn độc thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể nên thường chỉ được phát hiện khi đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế để kiểm tra huyết áp.
Việc điều trị ISH tương đối phức tạp hơn điều trị bệnh tăng huyết áp nói chung. Sở dĩ như vậy là do các liệu pháp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ khiến huyết áp tâm trương xuống quá thấp. Vì vậy, trong quá trình điều trị người bệnh cần đảm bảo giữ huyết áp tâm thu dưới 140mmHg và huyết áp tâm trương không xuống thấp hơn 70 mmHg.
Nếu được điều trị giảm huyết áp tâm thu thích hợp có thể cải thiện được sức khỏe của bệnh nhân. Theo nghiên cứu, giảm 10 mmHg huyết áp tâm thu có thể giảm 20% biến cố tim mạch, giảm 17% nguy cơ mắc bệnh mạch vành, 17% đối với tình trạng đột quỵ, 18% đối với suy tim và giảm 13% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Cách phòng ngừa cao huyết áp
Điều chỉnh lối sống sẽ làm giảm huyết áp, giảm tỷ lệ mắc tăng huyết áp mới và giảm các yếu tố nguy cơ:
- Điều chỉnh chế độ ăn: Giảm muối, tăng cường rau xanh và trái cây, giảm mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật
- Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
- Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-22,9 kg/m2.
- Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu bia, bỏ thuốc lá, thuốc lào.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, thư giãn nghỉ ngơi hợp lý