Để đón dòng vốn FDI…

Kêu gọi các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam là sách lược đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định về pháp lý còn rườm rà, kéo dài đã trở thành rào cản thu hút dòng vốn này.

Nên có cơ chế “một cửa, một đầu mối”

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Ngãi, năm 2022 đã thu hút 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 89,18 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2023 thu hút được 2 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 165 triệu USD.

Lũy kế đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 347 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 18,13 tỷ USD. Trong đó, có 60 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,992 tỷ USD và 287 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký tương đương khoảng 16,138 tỷ USD; có 250 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho khoảng 66.650 lao động.

Như vậy, có thể thấy, dù chiếm khoảng 17,3% số dự án đầu tư tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, nhưng dòng vốn FDI đã chiếm gần 11%. Phép tính toán này cho thấy dòng vốn FDI thường “mạnh hơn” dòng vốn trong nước như thế nào. Đó là lý do Chính phủ và các tỉnh thường kêu gọi dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, có những rào cản liên quan pháp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Chia sẻ với phóng viên, đại diện Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã liệt kê một số rào cản pháp lý.

Thứ nhất, tâm lý e ngại của nhà đầu tư nước ngoài khi môi trường đầu tư có thể có thay đổi.

Thứ hai, để triển khai và đưa dự án đi vào hoạt động, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau (chưa thể thực hiện cơ chế “một cửa, một đầu mối” tại Ban Quản lý) nên đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư mới lần đầu vào đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, việc tiếp cận đất đai gặp nhiều khó khăn, kéo dài (chủ yếu là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) đã làm mất cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài; thứ tư, hiện nay, trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu nên ảnh hưởng đến cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; vì vậy, tại các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sẽ khó thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và xây dựng trung tâm R&D.

Vị đại diện Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho rằng, khi thực hiện được cơ chế “một cửa, một đầu mối” thì sẽ giải quyết được các thủ tục mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam một cách nhanh, gọn hơn.

Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

Hồi tháng 3/2023, lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM nói với báo chí rằng cơ chế “một cửa, tại chỗ” trước đây của ban này bị phá dỡ dẫn đến thời gian triển khai của các dự án đầu tư bị kéo dài. Vị này cũng hy vọng việc ra đời của Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TPHCM sắp tới sẽ giúp tháo gỡ được khó khăn cơ bản này.

Thủ tục hành chính còn rườm rà

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thủ tục hành chính còn rườm rà, đền bù giải phóng đất đai còn đang kéo dài, hai vấn đề này đã ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như thế nào, Luật sư Trần Đức Hoàng, Công ty Luật Herman, Henry & Dominic, cho rằng, các thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà có thể trở thành rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài theo nhiều cách.

Ví dụ, quá trình phê duyệt cho các dự án mới có thể tốn nhiều thời gian, dẫn đến việc trễ tiến độ của dự án, và từ đó, gây áp lực tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc, sự phức tạp, chồng chéo về các quy định pháp luật hay sự không đồng nhất trong cách thức áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước cũng có thể tạo ra một mức độ không chắc chắn, hoặc làm mất lòng tin của các nhà đầu tư.

Theo luật sư Hoàng, sự kéo dài trong bồi thường và thu hồi đất đai cũng là cản trở đối với đầu tư nước ngoài. Không những vậy, khi đó, rủi ro phát sinh các tranh chấp về đất đai là tiềm tàng.

“Nói tóm gọn, cả hai vấn đề này có thể ảnh hưởng đến sức hút tổng cộng của Việt Nam như là một điểm đến đầu tư. Chúng có thể làm kéo dài thời gian từ khi dự án được lên ý tưởng cho đến khi thực hiện, tăng chi phí và thêm một lớp rủi ro có thể khiến các nhà đầu tư do dự”, luật sư Hoàng bày tỏ.

Thực tế cho thấy, chính sách về thuế, bao gồm ưu đãi thuế và hoàn thuế trong bối cảnh hiện nay rõ ràng chưa “cạnh tranh” với các nước khác trong khu vực, hay ngay chính tại quốc gia của doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam. Việc này sẽ gây nên những tác động xấu trong việc giữ chân và mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, do đó cần có những giải pháp để “hóa giải” tình trạng này.

Về vấn đề này, luật sư Hoàng nói, chính sách thuế cạnh tranh là yếu tố quan trọng trong việc thu hút và giữ chân đầu tư nước ngoài. Chính sách thuế được coi là kém cạnh tranh không chỉ vì thuế suất cao hay ít ưu đãi hơn, mà còn có thể vì thủ tục kê khai, nộp thuế phức tạp, hoặc sự thiếu rõ ràng, đồng nhất về các quy định về hoàn thuế hoặc các khoản giảm trừ.

Nếu chính sách thuế không cạnh tranh, Việt Nam có nguy cơ mất đầu tư nước ngoài sang các thị trường có điều kiện thuế thuận lợi hơn. Điều này có nghĩa là có khả năng mất dòng vốn đầu vào, chuyển giao công nghệ và tạo việc làm. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại có thể xem xét việc di chuyển hoạt động của mình sang các quốc gia khác có chính sách cạnh tranh hơn.

Đồng thời, luật sư Hoàng cũng đưa ra các giải pháp để giúp chính sách thuế của Việt Nam cạnh tranh hơn, có thể bao gồm: Ưu đãi thuế cho một số ngành công nghiệp đặc biệt mà Việt Nam muốn thu hút; đơn giản hóa thủ tục thuế; xây dựng các quy định pháp luật và cách thức áp dụng pháp luật rõ ràng, đơn giản, và đồng nhất.

“Để làm được điều này, các kênh giao tiếp giữa Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài cần luôn mở và duy trì tốt, để Chính phủ có thể giúp trong việc hiểu rõ nhu cầu của nhà đầu tư và điều chỉnh các chính sách tương ứng”, luật sư Hoàng lưu ý thêm.

Theo Bộ KH&ĐT, tính tổng cộng, hiện nay TP HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 56,2 tỉ USD,chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

Theo Bộ KH&ĐT, tính tổng cộng, hiện nay TP HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 56,2 tỉ USD,chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

Cải thiện khung pháp lý để thu hút FDI chất lượng cao

Trong thu hút nguồn vốn FDI, thì nguồn vốn FDI chất lượng cao đang ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, khung pháp lý để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao có nhiều điều cần cải thiện. Theo luật sư Hoàng, trong thập kỷ gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các luật như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đặt ra khung quy định cho FDI. Việt Nam cũng tham gia thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Mặc dù khung pháp lý nói chung là thuận lợi, có những thách thức có thể ngăn cản FDI chất lượng cao. Ngoài những vấn đề về thủ tục và thuế như có nói ở trên, Việt Nam cũng có thể cải thiện: Tăng cường các quy định và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhằm khuyến khích những đầu tư công nghệ; chính sách về khu kinh tế đặc biệt, là nơi mà các ngành công nghiệp giá trị cao có xu hướng đến; khung pháp lý hỗ trợ giáo dục và đào tạo kỹ năng cho lao động có kỹ năng cao; và đặc biệt, việc giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư hay giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước phải được thực hiện nhanh chóng, gọn nhẹ, và công bằng để bảo đảm cho niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Luật sư Hoàng cho biết, các tranh chấp giữa các nhà đầu tư và cơ quan nhà nước Việt Nam phát sinh vì nhiều lý do, từ việc cách hiểu khác nhau về quy định pháp luật, cho đến các vấn đề liên quan đến thủ tục và giấy phép.

“Cần lưu ý rằng, quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không chỉ được quy định tại các văn bản pháp luật Việt Nam, mà còn được quy định tại các hiệp định đầu tư mà Việt Nam tham gia. Việc cơ quan nhà nước Việt Nam vi phạm hay thực hiện không đúng các quy định ghi tại hiệp định cũng có thể phát sinh ra tranh chấp”, luật sư Hoàng nói thêm.

Thống kê cho thấy, trong năm 2022, Khu Công nghệ cao TP HCM có 162 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12,087 tỷ USD. Trong đó, 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 10,106 tỷ USD (chiếm 84%), 111 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 1,981 tỷ USD (chiếm 16%), vốn đầu tư trung bình 74,61 triệu USD/dự án.

Trong số các dự án đầu tư nước ngoài, có hơn 10 tập đoàn CNC hàng đầu thế giới có mặt tại Khu CNC TP HCM, như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa kỳ), Nidec, Nipro, NTT (nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Italy), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)...

Theo Đời sống
back to top