Rau trồng bè dễ nhiễm nhiều độc tố
Vừa qua KH&ĐS nhận được phản ánh của một số bạn đọc cho thấy họ thường xuyên ăn rau muống nhưng lại lo lắng bị nhiễm kim loại nặng. Bản thân họ rất hoang mang vì chưa biết bằng cảm quan sẽ có cách nào chọn được mớ rau muống an toàn.
Trao đổi vấn đề này cùng KS cao cấp Hoàng Đại Tuấn, Trưởng phòng Hóa sinh nông nghiệp và tinh dầu, Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), ông cho rằng rau muống nhiễm kim loại nặng là có.
Rau muống nhiễm kim loại nặng thường có ở các khu vực ao tù nước đọng hoặc trồng bè trên các dòng sông ô nhiễm như sông Kim Ngưu hay sông đổ về Hà Nam… Nước ở các khu vực này thường có nguồn đổ ra từ nước thải của các làng nghề, nhà máy dệt nhuộm, nước thải các khu công nghiệp khác. Chính vì thế, trong nước sẽ có chứa các hàm lượng kim loại nặng nhất định. Rau muống trồng bè hay ở các ao tù nước dạng này sẽ hấp thu vào rễ và chuyển hóa lên thân, lá.
Hơn nữa, không chỉ nhiễm kim loại nặng, các nước vùng này còn bị nhiễm vi sinh vật cao. Đặc biệt trong nước giàu amoniac nên rau muống cũng bị có hàm lượng nitrat và nitrit cao. Đây là hai yếu tố tăng nguy cơ ung thư, ảnh hưởng sức khỏe mà các nhà khoa học đã đề cập đến.
“Rau muống sẽ bị nhiễm kim loại nặng nếu trồng ở bờ sông, trồng bè trên sông hoặc tận dụng ở các ao tù đọng. Do đó, đối với người trồng cũng cần cân nhắc, bản thân người tiêu dùng cũng cần chú ý để không mua phải”, KS cao cấp Hoàng Đại Tuấn cho biết.
Loại trừ rau non mướt, xanh đậm, nước luộc đen và chát
Trên cơ sở đó, KS Hoàng Đại Tuấn cho hay, bằng cảm quan có thể phát hiện rau muống nhiễm kim loại nặng và amoniac cao trong rau muống ngay cả khi đang tươi và sau khi luộc nhằm loại trừ các nguy cơ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Cụ thể, yếu tố đầu tiên cần chú ý là không nên chọn rau muống có ngọn vươn lên cao và xanh non, mướt. Bởi, khi trong nước giàu amoniac thì rau sẽ tốt và mướt. Đây cũng là lúc hàm lượng nitrat, nitrit cao. Yếu tố này cũng có thể xem xét với rau muống trồng vườn vừa bón phân đạm. Nhưng rau sau mưa thì có thể khác, vì nhiều nước nên rau sẽ vươn lên.
Yếu tố thứ hai cần cân nhắc là lá xanh đậm, nước luộc xanh đậm đến mức đen, có vị chát. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là do có kim loại nặng, bất kể là kim loại gì thì cũng khiến nước có tình trạng này. Hơn nữa, nước có nhiều phèn thì nước có vị chát, đen.
Đối với tình trạng ăn rau muống có kim loại nặng và nitrat, nitrit cao thì nguy cơ ăn xong bụng có thể bị đầy, sôi lục bục, khó tiêu. Đây là kết quả của việc chuyển hóa các chất kém dẫn đến khó tiêu.
Vì thế, vị chuyên gia khuyên, khi mua hoặc nấu rau trên nên loại bỏ để đảm bảo an toàn. Không nên vì một mớ rau mà nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tăng.
“Đối với rau trồng ở vườn, ruộng nếu có lá, thân màu xanh đậm cũng nên cân nhắc. Điều này được lý giải là: Rau muống bón nhiều đạm thường có lá màu xanh đậm, hoặc nghiêng về xanh đen. Khi rau bón nhiều đạm không chuyển hóa hết sẽ làm tăng lượng nitrat trong rau. Khi ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nitrit và vào máu kết hợp cùng oxy của hemoblogmin gây nên hiện tượng thiếu oxy mô, ngoài ra, chất này cũng gây ung thư” – TS Tô Thị Thu Hà, trưởng bộ môn Rau và cây gia vị, Viện Nghiên cứu Rau quả.
Hà Trang