Giỏi ngoại ngữ, đọc nhiều
PGS.TS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chủ nhiệm công trình “Lý thuyết dẻo cứng động học giới hạn nhất quán và các định lý lắc xuống độc lập đường dẫn”, một trong 4 công trình nằm trong danh sách đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019. Sở hữu hơn 100 bài báo/công bố khoa học, PGS.TS Phạm Đức Chính cho biết, công bố chỉ được đăng khi có cái mới, phát hiện mới, hướng đi mới, và chứng minh được phát hiện đó bằng các lý luận khoa học, logic. Ở lĩnh vực khoa học cơ bản, nếu không có công bố/bài báo quốc tế thì coi như không thành công. Giống như trong nghiên cứu khoa học ứng dụng, nếu không ra được sản phẩm để ứng dụng cũng coi như thất bại.
Để có nhiều bài báo khoa học có chất lượng, theo PGS.TS Phạm Đức Chính, ngoại ngữ đương nhiên là nền tảng phải có. Có ngoại ngữ, bạn sẽ phải đọc rất nhiều các tài liệu, bài báo liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình, từ đó tìm ra được cái mới để nghiên cứu. Làm sao không trùng lặp với các nghiên cứu khác, tính phát hiện, sáng tạo cao và được cho điểm số tốt.
Dành thời gian để nghiên cứu cũng là một thử thách khó khăn. “Tôi dành cả thanh xuân ngồi trong phòng nghiên cứu. Mãi đến năm gần 40 tuổi mới lấy vợ. Nếu không làm việc miệt mài như vậy, chắc có lẽ tôi không có được những công bố khoa học như đã làm. Đến giờ, tôi lại tiếp tục viết báo để công bố. Có những bài báo khoa học dài đến cả trăm trang. Để được duyệt đăng, phải có nhiều hội đồng thẩm định. Có khi vài tháng, nửa năm từ lúc gửi bài, với nhiều lần trao đổi qua lại bằng email, bài báo mới được duyệt đăng. Vui mừng là toàn bộ kinh phí thẩm định, phản biện cho bài báo, mình đều không mất đồng nào. Tất cả các phản biện cần làm rõ đều có thể trao đổi qua email. Đó là cách thức làm việc của các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới”, PGS.TS Phạm Đức Chính cho biết.
Theo PGS.TS Phạm Đức Chính, hiện số lượng các công bố/bài báo khoa học tăng rất nhanh so với trước đây, nhưng tiếc là chất lượng thì không được như trước. Đa phần được đăng ở các tạp chí có thứ hạng vừa và thấp.
Có công bố là có tiền
Nếu như trước đây việc công bố các bài bài khoa học trên các tạp chí quốc tế chỉ đơn thuần mang tính nghiên cứu thì hiện nay, các viện, trường, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia Nafosted đã hỗ trợ rất nhiều cho các nhà khoa học để thực hiện nghiên cứu. Có những trường đại học, viện nghiên cứu tài trợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho 1 bài báo khoa học. Đó là lý do để các nhà khoa học trẻ có động lực tham gia viết nhiều hơn. Có những nhà khoa học làm chủ đề tài, mức lương vài chục triệu đồng/tháng là chuyện bình thường. Theo PGS.TS Phạm Đức Chính, với mức đãi ngộ như vậy, việc nhà khoa học, đặc biệt là các bạn trẻ đầu tư vào nghiên cứu để viết, công bố khoa học trên các tạp chí uy tín là hướng đi đúng đắn, không sợ vì mải mê nghiên cứu mà nghèo.
“Việc tiếp cận với các quỹ hỗ trợ để nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản, là điều cần thiết để yên tâm làm việc. Chỉ cần bạn có công bố mới, bạn cũng sẽ có thu nhập. Hãy đề xuất ý tưởng nghiên cứu của mình để nhận được tài trợ.", PGS.TS Phạm Đức Chính cho biết.
Có được công bố để đăng tải trên các tạp chí uy tín quốc tế không đơn giản, nhưng nếu bạn biết đầu tư thời gian đúng cách, tìm đúng đề tài nghiên cứu, chọn đúng hướng đi, thì xác suất thành công rất lớn.