ĐBQH đã đưa ra giải pháp kiểm soát giá BĐS tăng vọt, trong đó có việc người tham gia đấu giá đất phải chứng minh được năng lực tài chính, bị xử lý nếu bỏ cọc.
Ngày 28/10, tiếp tục chương trinh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm trong báo cáo, đó là giá BĐS tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại TP. Hà Nội và TPHCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH. |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho hay, người dân rất quan tâm, lo lắng, đó là giá BĐS tại các thành phố lớn ở nước ta rất cao và liên tục tăng lên.
Giá BĐS được đánh giá là cao một cách bất hợp lý, được thể hiện ở trên 2 khía cạnh. Một là, tương quan giữa giá BĐS, nhà ở với giá thu nhập của người dân là quá cao. Điều đó phản ánh mức giá đó không có khả năng thanh toán thực tế đối với đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở. Hai là, thu nhập mang lại từ BĐS, ví dụ như tiền thuê BĐS quá thấp so với giá vốn đầu tư ra, thậm chí có nhiều BĐS nguồn thu bằng 0. Điều này phản ánh động cơ mua BĐS không phải sử dụng mà để đầu cơ, tích trữ.
3 nguyên nhân khiến giá BĐS tăng cao
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá BĐS cao, nhưng vẫn tiếp tục tăng lên trong thời gian qua do 3 nguyên nhân chính như sau:
Nguyên nhân thứ nhất, người mua nhà không chỉ để ở mà còn là một kênh tích lũy tài sản, vì tiền bỏ vào mua BĐS sẽ không bị mất đi mà giá nhà tăng lên nên lượng tiền này cứ tăng lên.
|
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận. Ảnh: QH. |
Do vậy, tích lũy được tiền thì người dân sẽ đầu tư vào mua BĐS và dồn vào mua BĐS dẫn đến có nhiều người mua, tạo ra tình trạng một vòng xoáy là giá càng tăng thì càng nhiều người mua và giá lại càng tăng, như vậy sẽ đẩy đầu cơ BĐS tăng lên. Dòng tiền sẽ hút vào lĩnh vực BĐS và không còn tiền chảy vào các lĩnh vực kinh doanh khác.
Nguyên nhân thứ hai, trong những năm qua, do vướng mắc các thủ tục pháp lý nên hầu hết các dự án BĐS đầu tư phải dừng lại. Như vậy, nguồn cung trên thị trường khan hiếm, trong khi cầu tăng lên dẫn đến tình trạng tăng giá, đó là điều đương nhiên.
Nguyên nhân thứ ba, trong bối cảnh cầu tăng, cung khan hiếm, các lực lượng thị trường đã tranh thủ tìm cách đẩy giá BĐS lên cao để kiếm lời. Lực lượng môi giới tung tin để thổi giá, những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên. Các doanh nghiệp lớn đưa BĐS ra thị trường bán với mức giá cao và dư luận cho rằng thậm chí, các doanh nghiệp bắt tay với nhau cố tình đưa giá cao để thiết lập một mặt bằng giá mới và như vậy làm đẩy giá thị trường tăng lên.
Người tham gia đấu giá đất phải chứng minh được năng lực tài chính
Để kiểm soát tình trạng tăng giá BĐS, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, bên cạnh những giải pháp, giải quyết các thủ tục pháp lý để các dự án BĐS được đưa vào đầu tư tăng nguồn cung, cần có một số giải pháp cấp bách.
Trước hết, để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao bất thường rồi sau đấy không mua khi trúng đấu giá thì không thể tăng tiền đặt cọc. Vì nếu tăng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế số người tham gia mất đi tính cạnh tranh.
“Đề nghị quyết định bổ sung người tham gia đấu giá phải minh chứng được năng lực về tài chính có thể mua được tài sản đó. Sau khi trúng đấu giá bằng việc xác nhận các khoản như tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn và phải cam kết nếu như trúng đấu giá, bỏ cọc, sẽ bị xử lý”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Theo đại biểu, nếu làm như vậy, những người có nhu cầu thật sẽ không ngại gì trong việc minh chứng khả năng thanh toán của mình. Như vậy, sẽ loại bỏ được những người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi, bán lại, đặc biệt sẽ loại được những người bỏ giá cao rồi bỏ cọc. Đại biểu đề nghị đưa nội dung này vào trong nghị quyết của Đoàn giám sát.
Thứ hai, để các doanh nghiệp BĐS không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung đưa ra giá bán cao một cách bất thường, đề nghị cần phải thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường. Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá sẽ không chỉ phát hiện được sự bất thường của các giá bán cao để chúng ta bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ phải đưa hàng hóa BĐS của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp thuộc đối tượng phải kê khai giá, nếu thực hiện được kê khai giá và kiểm tra giá như thế sẽ ngăn chặn được tình trạng vô lý, tự nhiên giá này tăng lên cao. Điều này là một giải pháp rất căn bản, hữu hiệu để chúng ta kiểm soát giá sử dụng BĐS.
Thứ ba, để lành mạnh hóa thị trường, lực lượng có vai trò trung gian của thị trường là những hoạt động môi giới sàn giao dịch phải được hoạt động một cách chuyên nghiệp, không để cho lực lượng này "tay tung tay hứng" để đẩy giá thị trường lên, làm nhiễu loạn thị trường.
Đại biểu đồng tình với dự thảo nghị quyết ghi "cần có cơ chế cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch BĐS". Tuy nhiên, hiện nay trong khuôn khổ luật pháp chưa có một cơ chế cụ thể nào để quản lý các hoạt động này một cách chuyên nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị trong nghị quyết này cần phải đưa vào “nghiên cứu thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM cơ chế quản lý sàn giao dịch BĐSn chuyên nghiệp để sàn giao dịch trở thành công cụ quản lý minh bạch thị trường”.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho hay, thời gian vừa qua giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TP HCM đã khiến cho thị trường BĐS vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá đang dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều người dân cần nhà ở thực sự thì rất khó có thể mua được trong giai đoạn hiện nay, trong khi đó không ít người có tiền lại đang găm vào đất với hi vọng tìm kiếm lợi nhuận và các doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đội lên nhiều lần đi theo kết quả đấu giá đất. Để đóng góp cho công tác này.
Từ các phân tích, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.
Cùng với đó, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này. Qua nghiên cứu của các chuyên gia thấy rằng nếu tháo gỡ được những vướng mắc của các dự án căn hộ hiện nay thì có thể đưa vào thị trường thêm vài nghìn căn hộ nữa, sẽ giảm giá của BĐS hiện nay.
“Chúng tôi cũng xin kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua”, đại biểu Thủy nêu ý kiến.