Đề nghị dừng nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam
Sáng 29/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH. |
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch COVID-19.
Trong đó, chiến lược ngoại giao vắc xin rất tốt, rất nhanh và rất thành công, đã có đủ, kịp thời và có ngay vắc xin để tiêm phòng cho Nhân dân.
Ví sự ác liệt của đại dịch COVID-19 vừa qua “không khác gì cuộc chiến tranh”, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá sự đóng góp của nhân dân là vô cùng quý báu.
Đại biểu đồng tình với đánh giá của Đoàn Giám sát nêu: Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống COVID.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, báo cáo giám sát của Đoàn Giám sát Quốc hội cũng thể hiện đã có những sai phạm trong lĩnh vực phòng chống COVID-19. Trong đó, có những sai phạm tưởng chừng rất ít xảy ra như nghiên cứu y học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ.
"Cũng có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á, tổ chức sản xuất kit test COVID-19. Những việc này là bài học thật đau đớn, rất đáng lên án và phải trả giá quá đắt” đại biểu Nguyễn Anh Trí nói và cho biết, ông đồng ý phải xử lý thật nghiêm khắc những ai tham ô, tham nhũng trong hoạt động chống COVID-19. Tuy nhiên, cũng cần xử lý thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời cứu người bệnh.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị ngừng nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng ngừa COVID-19 tại Việt Nam, vì đã quá muộn để sản xuất loại vắc xin này. Thay vào đó, lúc này, cần mua loại vắc xin tốt của thế giới để tiêm phòng cho nhân dân.
Nguy cơ bùng phát bệnh do thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
Nêu ý kiến liên quan đến vắc xin, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) bày tỏ sự lo ngại về việc thiếu thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên). Ảnh: QH. |
Theo báo cáo của các địa phương, một số vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã hết. Theo tính toán, đến tháng 7/2023, các địa phương sẽ không còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Như vậy, nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh đã kiểm soát và khống chế được đang hiện hữu, kết quả to lớn của chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 40 năm qua là có thể bị phá vỡ.
Theo đại biểu Lò Thị Luyến, nguyên nhân thiếu vắc xin có nhiều nhưng cơ bản nhất vẫn là vướng mắc trong mua sắm vắc xin. Qua theo dõi Bộ Y tế đã tham trình Chính phủ, theo đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước. Khi Bộ Y tế thống nhất giá, các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp.
Đối với vắc xin phải nhập khẩu, Bộ Y tế sẽ đấu thầu tập trung, ký hợp đồng khung với nhà cung ứng trên cơ sở hợp đồng khung thì các địa phương sẽ căn cứ hợp đồng đó để ký hợp đồng cung ứng và trực tiếp thanh toán với nhà cung cấp. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề thiếu vắc xin trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài và hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương và giao cho Bộ Y tế mua, cung ứng vắc xin cho địa phương như trước đây.
Theo đó, bổ sung nội dung này và Khoản 7, Điều 2 dự thảo nghị quyết giám sát, tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện. Cụ thể: Tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hằng năm, Chính phủ cân đối nguồn ngân sách trung ương để phân bổ kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.