ĐBQH: Có sàn vàng, sẽ mua “tín chỉ vàng” thay cho vàng miếng
Mai Loan
Sáng 11/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Làm thế nào để quản lý thị trường vàng, kiểm soát giá vàng, vì sao NHNN chỉ bán ra mà không mua vàng miếng… là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi với các đại biểu bên hành lang QH về những vấn đề này.
Có sàn vàng, không cần tích vàng miếng nữa
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay, chính sách điều hành thị trường vàng trong giai đoạn vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu đạt được mục tiêu. Nếu như trước đây, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch tới 15 triệu đồng, thì tới nay chỉ còn từ 3-5 triệu đồng. Điều đó cho thấy, sự can thiệp của NHNN đã giải quyết được vấn đề cung – cầu trong nước.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Mai Loan.
Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn, cần có sự can thiệp cao hơn nữa, đó là ngoài việc bán, thì NHNN còn phải mua vàng miếng từ phía người dân. Trong khi đó, mục tiêu của NHNN hiện nay mới chỉ là bán để tăng cung, để nhu cầu vàng không chênh lệch quá lớn với thế giới. Trong trả lời đại biểu, Thống đốc cũng đã có chỉ ra rằng, trong tương lai, chúng ta có thể thành lập sàn vàng.
“Tôi rất kỳ vọng, sắp tới, chúng ta sẽ thành lập được sàn vàng. Khi có sàn vàng, các tổ chức tín dụng có thể tham gia, và việc kinh doanh không phải chỉ là mua bán dạng “vật chất”, như là vàng miếng, mà có thể bằng tín chỉ. Lúc đó, người dân có thể mua bán vàng rất dễ dàng. Và các doanh nghiệp cũng không cần phải kiểm soát chất lượng vàng mua vào hay bán ra nữa. Đây sẽ là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng để chúng ta sẽ liên thông được giữa vàng trong nước và vàng thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, khiến người dân không tích trữ vàng nữa”, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Cường, khi doanh nghiệp tham gia sàn vàng sẽ có nhiều rủi ro. Và những rủi ro này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, những hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Vì thế, cần có sự tham gia, vào cuộc của rất nhiều cơ quan và có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ, để tránh những rủi ro này.
Cầu mong vàng thế giới bình ổn, thì trong nước mới bình ổn
Nói về giải pháp bình ổn giá vàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho hay, điều quan trọng nhất, cầu mong nhất là thế giới hòa bình. Bởi nếu thế giới tiếp tục xảy ra những xung đột về chính trị, có chiến tranh, thì giá vàng sẽ bất ổn, theo chiều hướng gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới sức cầu quá lớn, không có tổ chức nào đáp ứng được, gây áp lực tới sự điều hành chính sách tài chính ở các quốc gia. “Cho nên, điều mong muốn nhất vẫn là thế giới hòa bình thì cung – cầu vàng có sự ổn định”, ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 11/11. Ảnh: Mai Loan.
Theo ông Ngân, từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới rất bất ổn, tăng từ 2000-2700 USD (từ 20-30%). Còn giá vàng trong nước, ban đầu cũng có sự chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết định có chính sách can thiệp vào thì giá vàng trong nước và thế giới nhích lại. Hiện nay, giá vàng trong nước chỉ tăng khoảng 20%, trong khi giá vàng thế giới, từ đầu năm tới giờ tăng trên 30%, đó là một thành công. Tuy nhiên, điều này, theo ông Ngân, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.
“Cho nên, mong giá vàng thế giới trở lại sự bình ổn, khi đó, nhu cầu vàng trong dân giảm đi. Người ta chỉ mua khi có nhu cầu cần thiết, chẳng hạn như trong dịp lễ hội, cưới hỏi… thì việc đáp ứng cung cầu sẽ hợp lý hơn”, ông Ngân nói.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân trao đổi về giải pháp bình ổn giá vàng. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Một bài toán nữa, theo ông Ngân, liên quan đến đầu tư vàn, người dân có tâm lý, khi vàng lên thì mua vàng để sau này có lợi nhuận, điều này đặt ra vấn đề phải nghiên cứu thành lập sàn vàng. Tuy nhiên, từ bài học kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy những bất ổn thị trường, vì vậy, nên thí điểm tổ chức sàn vàng tại hai trung tâm tài chính quốc tế mà chúng ta đang dự kiến là Đà Nẵng và TP HCM.
“Chúng ta sẽ tổ chức sàn vàng với giá vàng liên thông với thị trường quốc tế, như vậy sẽ giảm bớt áp lực đầu tư vàng trên thị trường. Cùng với đó, chúng ta cần sớm sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vàng trong cả nước một cách hợp lý, không chỉ bó hẹp trong hệ thống ngân hàng thương mại”, ông Ngân nói.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) trao đổi bên hành lang sáng 11/11. Ảnh: Mai Loan.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đánh giá, phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đi thẳng vào những vấn đề đại biểu quan tâm, không né tránh, rất rõ ràng và dễ hiểu. Do đó, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội hài lòng với phần trả lời chất vấn của Thống đốc.
Thống đốc đã giải thích về lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước chỉ bán vàng mà không mua lại, nêu rõ nhu cầu vàng trong nước cao và việc Ngân hàng Nhà nước cần cung cấp thêm vàng để ổn định thị trường. Đồng thời, cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia nhập khẩu vàng, không phải là quốc gia sản xuất vàng nên việc điều hành thị trường vàng có nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, nếu nhìn nhận một cách công bằng, chúng ta cần ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành thị trường vàng thời gian qua. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hết mình để quản lý thị trường này chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của người mua vàng.
“Qua chất vấn và trả lời chất vấn thuộc nhóm lĩnh vực thứ nhất cũng cho thấy, trong thời gian tới, nếu các chính sách của chúng ta đều có sự minh bạch thì sẽ rất rõ ràng trong thực thi, dễ tạo sự đồng thuận của đại biểu và người dân với điều hành của Ngân hàng Nhà nước nói riêng và của Chính phủ nói chung”, đại biểu Thúy cho hay.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 11/11 về vàng. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.