Chung cư mini - một thuật ngữ không có trong luật
Sáng 1/11, phát biểu tại phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến về việc "siết" quản lý chung cư mini.
Đại biểu Thủy cho biết, hiện chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý quản lý chung cư mini, những lỗ hổng về hệ thống pháp luật đã dẫn đến lỗ hổng trong công tác quản lý chung cư mini. Theo đó, quy định của pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến về việc "siết" quản lý chung cư mini. Ảnh: QH. |
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 46 của Luật nhà ở hiện hành có dành một khổ để mô tả về loại hình nhà ở này, nhưng không rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như về yêu cầu quản lý. Thậm chí định danh cũng không thực sự rõ ràng.
"Trong khi đó, cả xã hội gọi sản phẩm này là chung cư mini - một thuật ngữ không có trong luật”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy chỉ ra bất cập.
Theo đại biểu Thủy, chính vì sự lỏng lẻo trong quy định như vậy đã dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân. Những lỗ hổng trong pháp luật vừa qua đã kéo theo những lỗ hổng trong quản lý.
Với quy định hiện hành, một cá nhân hoặc hộ gia đình có thể xây căn hộ mini để bán, không bị khống chế số lượng căn hộ, chỉ bị khống chế về chiều cao, không được vượt quá 6 tầng. Thủ tục xây dựng chung cư mini rất đơn giản, chỉ cần xin cấp phép với nhà ở riêng lẻ. Trong khi đó, với các chung cư dù quy mô lớn hay nhỏ đều có tính chất phức tạp về kỹ thuật, liên quan tới an toàn tính mạng con người.
10 năm gần đây chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của chung cư mini. Riêng TP HCM có hơn 42 ngàn hộ cho thuê kiểu chung cư mini. Hầu hết các công trình xây dựng trên diện tích đất nhỏ hẹp, sâu trong ngõ hẻm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, khó tiếp cận với xe cứu hỏa khi xảy ra cháy.
“Nhiều chung cư mini hiện nay được các chuyên gia tổng kết với nhiều “không”: không ban quản lý, không quy chế vận hành, không lối thoát hiểm, không quy chuẩn phòng cháy chữa cháy…”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy cho hay.
Thực tế, đã có nhiều công trình sai phép, vượt tầng vì lợi nhuận. Đồng thời, tình trạng phạt cho tồn tại, cưỡng chế trên văn bản còn tồn tại trong thời gian dài.
Khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân
Cùng với những phản ánh bất cập của chung cư mini, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy cũng khẳng định sự ra đời của loại hình nhà ở này đã đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt với những người có tài chính eo hẹp. Với khoảng 800 triệu đồng, người dân đã có một căn hộ ở khu vực gần trung tâm dù trong khi mua, họ cũng có thể cảm nhận được sự mất an toàn nhưng tin rằng điều đó không xảy ra…
Điều này cho thấy, thị trường đang thiếu trầm trọng sản phẩm nhà ở giá bình dân phù hợp với nhu cầu, túi tiền của phần đông người lao động.
ĐBQH thống nhất cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là nhu cầu thực tế của người dân cần phải được bảo đảm, nhưng dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini ở trong Luật Nhà ở. Vừa phải quy định chặt chẽ với loại hình nhà ở này, vừa phải có điều kiện chuyển tiếp để đảm bảo an toàn, nơi ăn chốn ở cho người dân.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai những giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân. Đây là giải pháp cốt lõi để xử lý vấn đề này.
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các chung cư mini bên cạnh việc kiểm tra để phát hiện vi phạm là cần thiết, nhưng qua kiểm tra cũng cần phải hướng dẫn kịp thời cho người dân để có giải pháp phòng ngừa cháy nổ.
Đại biểu Thủy cũng đề xuất trong nghị quyết của kỳ họp Quốc hội lần này cần có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung trong đó có an toàn cháy nổ đối với các chung cư mini đang hiện hữu.
>>> Mời quý độc giả xem video: "Hoa hậu Bảo Ngọc nhận nuôi bé gái mồ côi trong vụ cháy chung cư mini":