Các đại biểu đề nghị việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia cần nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu. Việc đề xuất ban hành Luật Dữ liệu nhằm thực hiện những chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Bên cạnh đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
|
Các đại biểu đoàn Quốc hội Hà Nội trong phiên họp tổ chiều 24/10. Ảnh: Mai Loan. |
Nói về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia (Điều 29), đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải có quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia vì hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu nói riêng còn rất hạn chế, chưa có nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu, trong khi đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số.
|
Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội). |
“Do vậy, để thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ về dữ liệu, phát triển ứng dụng công nghệ cao liên quan đến xử lý dữ liệu; hỗ trợ khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng, phát triển dữ liệu…”, đại biểu nêu ý kiến.
Đồng thời, đại biểu cho biết, Bộ Công an cũng đã rà soát, chỉnh lý quy định rõ nguyên tắc hoạt động của quỹ phải bảo đảm: không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.
|
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh). |
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cũng bày tỏ nhất trí với quy định các nguồn tài chính hình thành và nguyên tắc hoạt động của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tại điều 29 dự thảo luật.
Đại biểu đề nghị quy định rõ những hoạt động nào được chi từ Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, hoạt động nào chi từ ngân sách nhà nước để đảm bảo rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, tránh chồng chéo, khó thực hiện hiện khi thực thi pháp luật.
Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, quy định Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là vấn đề mới. Trong một chừng mực, phạm vi, lĩnh vực nhất định, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước, thì dữ liệu cần được xem là một tài nguyên quan trọng của quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù.
|
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên). Ảnh: Quang Khánh |
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để có quy định phù hợp, nhất là phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về quy định sàn giao dịch dữ liệu, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, đây là một bước tiến mới tạo đòn bẩy cho nền kinh tế số tại Việt Nam. Sàn giao dịch dữ liệu ra đời không chỉ giúp các hoạt động liên quan đến dữ liệu minh bạch, an toàn, mà còn đảm bảo tính hợp pháp. Điều này tạo ra một môi trường tin cậy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, khó tránh khỏi các nguy cơ về an ninh mạng, tấn công mã hóa dữ liệu, đánh cắp, chỉnh sửa dữ liệu và lộ lọt dữ liệu. “Do đó, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn, tôi đề nghị cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu, để có những đánh giá cụ thể trước khi luật hoá” – đại biểu kiến nghị.
Cũng nói về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nên quy định mang tính nguyên tắc trong luật, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể vì đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để quy định đảm bảo phù hợp, khả thi.