ĐBQH: Cần đẩy nhanh việc thu hồi tài sản sau kết luận sai phạm
Mai Loan
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên- Huế) cho rằng, việc thu hồi tài sản vi phạm sau kết luận của thanh tra hiện đang ở mức thấp, cần đẩy nhanh tiến độ.
Ngày 5/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực thanh tra. PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế bên hành lang Quốc hội liên quan đến những nội dung chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội về những nội dung liên quan tới phiên chất vấn, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng trong hoạt động thanh tra. Quan điểm của bà về việc này thế nào?
Theo tôi, bước tiếp theo cũng như mục đích lớn của hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra chính phủ nói riêng là xử lý những sai phạm, vi phạm một cách thấu đáo, sát thực. Đồng thời cũng phải thu hồi những tài sản đã vi phạm ở những mức độ khác nhau.
Tất nhiên, mục đích của thanh tra không phải là để cố thu hồi thật nhiều tài sản hay xử lý thật nhiều cán bộ, tổ chức cá nhân liên quan. Nhưng việc này nhằm tạo ra một thước đo chính trực, công bằng, có tác dụng răn đe, giáo dục.
Việc thu hồi tài sản qua thanh tra sẽ là điểm sáng, nêu gương cho những tổ chức, cá nhân, giúp sàng lọc bộ máy, hạn chế việc làm sai. Bởi nếu cứ làm rồi sai phạm sẽ làm mất niềm tin, trước hết là của cán bộ công chức, viên chức trong tổ chức đó, sau đó là tới nhân dân, xã hội.
Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản khi đã có kết luận sai phạm nhằm sung vào công quỹ, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bởi đã vi phạm rồi, tức là nguồn đen rồi, đã nguồn đen rồi thì phải xử lý triệt để, thấu đáo. Dù là tổ chức hay cá nhân vi phạm cũng phải tuân thủ một cách nghiêm túc để thực hiện những kết luận thanh tra chính phủ.
Thực tế, hiện nay việc thu hồi tài sản vi phạm đang ở tỷ lệ thấp (dù có nâng lên trong thời gian vừa qua). Cùng với đó là chậm tiến độ so với quy định, cần phải khắc phục những điều này.
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ lựa chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ, công chức của 7 bộ ngành, đơn vị trung ương để xác minh tài sản, thu nhập và tính trung thực trong kê khai tài sản. Bà đánh giá thế nào về việc này?
Theo tôi, việc xác minh ngẫu nhiên qua bốc thăm cũng phải tính toán thật kỹ và có tiêu chí. Số lượng người để thực hiện ngẫu nhiên phải là những người nằm trong tiêu chí, điều kiện cần phải kê khai. Chứ nếu những người không cần kê khai lại phải bốc thăm, như vậy là lãng phí.
Ngoài ra, những người này phải cùng nhóm, cùng nấc thang (ví dụ cán bô cấp cao, cán bộ câp tỉnh, huyện… ) thì việc bốc thăm ngẫu nhiên sẽ phù hợp.
Nhận quà tặng nằm trong quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, năm 2022 chỉ có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị. Bà có suy nghĩ gì về con số này, liệu nó có quá ít so với thực tế?
Theo tôi, con số này liên quan tới ý thức trách nhiệm, đến tự giác nêu gương của công chức viên chức. Tôi chưa có căn cứ để đo xem con số này là thấp hay cao, tuy nhiên, so với tổng số các công chức viên chức trong hệ thống chính trị các cấp của ta thì tôi cho rằng, con số 14 còn thấp.
Hiện nay, việc cán bộ nộp quà chủ yếu là người đứng đầu như Bí thư, chủ tịch… ở cấp tỉnh, chứ cấp huyện tôi cũng chưa nghe nói đến.
Tôi nghĩ, một phần nguyên nhân nằm ở việc hiện chúng ta chưa có những tiêu chí, cơ chế, hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ những người tự giác nộp quà, để họ cảm thấy được an toàn. Điều này tránh tình trạng họ bị trả thù hoặc đôi khi có sự kỳ thị dẫn tới hành xử đáng tiếc. Không bảo vệ kịp thì có thể lại dẫn tới “tác dụng ngược”.
Theo bà, phẩm chất của thanh tra giữ vai trò ra sao trong công cuộc phòng chống tham nhũng?
Theo tôi, nếu thanh tra không trong sáng, liêm khiết, chính trực, thấu đáo thì sẽ làm thui chột tính chiến đấu của công chức, viên chức. Họ sẽ có sự dựa dẫm, "nhìn ngó" nhau trong việc thực hiện những quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nội dung chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ngày 5/11 gồm:
Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
Thứ ba,, giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân.
Thứ tư, công tác phối hợp và giải pháp khắc phục.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nói về việc Thanh tra Chính phủ chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ của 7 bộ ngành để xác minh tài sản".