Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nhiều năm qua, Chính phủ chưa bao giờ công bố mức sống tối thiểu và mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống đầy đủ, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM). Ảnh: Phạm Thắng. |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) dẫn báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng có nêu một bài học, đó là lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển quan trọng nhất. Từ đó, nêu kiến nghị về đột phá tư duy và sử dụng con người.
Chúng ta đạt thành tựu quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, nhưng bước tiếp theo ta phải đảm bảo một cuộc sống no đủ tối thiểu, phù hợp với tình hình đất nước. Hay nói một cách khác, chúng ta cần xác định mức sống tối thiểu để phấn đấu trong từng giai đoạn.
"Trong thực tế, nhiều chục năm qua Chính phủ chưa bao giờ công bố mức sống tối thiểu và cũng chưa công bố mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống đầy đủ, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Trong khi đó, ở các nước người ta công bố mức sống tối thiểu và công bố lương tối thiểu và lương đủ sống tối thiểu”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, nếu vào mạng của thành phố Seoul, chúng ta sẽ thấy thông tin lương tối thiểu và lương đủ sống tối thiểu là lương có thể nuôi được gia đình 3 người. Với điều kiện hiện nay, chúng ta đòi hỏi 2 người đi làm phải nuôi được 2 người con thì lương tối thiểu phải hướng tới lương đủ sống tối thiểu 2 người đi làm có lương nuôi được 2 người con để đảm bảo phát triển bền vững đất nước.
Vừa qua, ý kiến cử tri có phản ánh là có một quyết định của Chính phủ hỗ trợ cho người thu nhập thấp học nghề, nhưng các địa phương không thể áp dụng được 4 năm qua vì không có quy định thế nào là thu nhập thấp và đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố số liệu này.
“Theo tôi nghĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng không công bố được, bởi khi chưa công bố mức sống tối thiểu thì chưa xác định được thế nào là thu nhập thấp”, đại biểu nói.
Đại biểu cho hay, thực hiện tinh thần nghị quyết của Đảng năm 2018 khi bàn về vấn đề cải cách tiền lương có giao cho cơ quan thống kê Nhà nước công bố mức sống tối thiểu làm cơ sở công bố tiền lương tối thiểu đến nay chưa có công bố. Đại biểu đề nghị năm 2025 nên làm việc này để có cơ sở hoạch định mức sống tối thiểu và phát triển sắp tới.
Vấn đề thứ hai, lấy con người là trung tâm, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân là vì chúng ta muốn làm cho người dân hạnh phúc. Tuy nhiên, điều đáng nói, chúng ta chưa có công cụ để lượng hóa sự hạnh phúc của người dân.
“Trong khi thế giới có bộ chỉ tiêu về hạnh phúc và người ta đánh giá mức độ hạnh phúc của nhân dân tất cả các nước trên thế giới, dù có muốn hay không họ cũng đánh giá. Chúng ta vừa qua được xếp hạng thứ 54 trong 143 nước về chỉ số hạnh phúc.
Đại biểu lấy số liệu so sánh, về thu nhập đầu người chúng ta đứng thứ 101/176 nước, Singapore đứng thứ 2, Nhật Bản thứ 38, Trung Quốc thứ 72, Indonesia thứ 96. Như vậy, so với chỉ số kinh tế đầu người là 101, chỉ số hạnh phúc là thứ 54 thì điều đó phản ánh đây là kết quả hết sức đáng trân trọng.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam để chúng ta tự xác định phù hợp với văn hóa Việt Nam làm chỉ tiêu phát triển cho các địa phương.
Báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, liên quan đến ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Thời gian vừa qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, nhìn chung các chính sách xã hội của chúng ta được triển khai một cách cơ bản đúng, đủ và kịp thời, thông qua đó tạo chuyển biến rất quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả.
Đặc biệt, các chính sách về người có công là một trong những chính sách nổi trội của chúng ta, một trong những chính sách xã hội thực hiện tốt nhất hiện nay. Các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo hướng đảm bảo an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện một cách có hiệu quả.
Tỷ lệ giảm nghèo của chúng ta đạt chuẩn 1% và hiện nay chỉ còn 1,93% là cố gắng lớn của chúng ta trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra. Lần đầu tiên chúng ta đạt chỉ tiêu về năng suất lao động 5,56% so với yêu cầu đề ra.
“Điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc theo đánh giá của chúng ta tăng 11 bậc, như giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã phân tích đây là một sự tiến bộ rất lớn của chúng ta”, ông Dung nói.