- Càng cấm càng phát triển
Vừa rồi dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục có đề cập nhiều đến việc dạy thêm, học thêm. Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, ý kiến của ông về vấn đề này?
Lâu nay nói đến dạy thêm, học thêm là ta nghĩ ngay đến một tệ nạn trong nhà trường. Học sinh phải học thêm quá nhiều, không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, chưa kể bố mẹ méo mặt đi vì phải lo học phí.
Còn các thày cô ở trên lớp thì giấu chuyên môn, giấu tủ, dạy ít thôi để về nhà dạy thêm… Tất cả những thứ ấy khiến người ta thấy không quản lý được việc dạy thêm thì phải cấm. Nhưng đã thành quy luật rồi, càng cấm thì càng phát triển.
Theo ông là không thể cấm được?
Tại sao lại phải cấm học thêm? Như thế là vô lý, vì học thêm thể hiện sự hiếu học của con người. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu học thêm càng lớn.
Tiếng Anh trong trường cũng dạy, nhưng đấy là đại trà, tôi muốn đi du học Mỹ thì phải học thêm. Rồi tiếng Pháp, tiếng Đức, Nhật, Hàn…cần để giao lưu lao động, tôi phải học thêm. Giao lưu xã hội cần các kỹ năng khác, âm nhạc, thể thao, hội họa… nhiều thứ tôi phải trang bị thêm. Cần phải học thêm nhiều thứ ngoài những gì được dạy trong trường phổ thông.
Đấy là những thứ ta tự nguyện học, còn đây là bắt buộc phải học?
Bản chất của việc học thêm là nhu cầu tự thân của con người. Người ta thấy thiếu cái gì thì bổ sung cái đó. Dạy chính khóa, cứ cho là các thày cô dạy thật tốt đi thì nhu cầu của mỗi học sinh và gia đình vẫn cần bổ túc những thứ mà người ta thấy cần, nên phải đi học thêm.
Ông cha ta có truyền thống tầm sư học đạo. Người ta có thể đi 60-70 cây số để được thầy dạy cho vài câu là sung sướng rồi. Vì khi tiếp xúc với một người giỏi, chỉ cần vài giao lưu, vài lời nói thôi là bằng anh học cả ngày. Nếu được người ta chỉ cho hướng đi và tài liệu để tham khảo thì bằng tự học cả năm. Gặp người giỏi để lĩnh hội kiến thức là nhu cầu tự nhiên của sự phát triển. Cái đó phải khuyến khích chứ không ai cấm.
Ông ủng hộ việc học thêm?
Học thêm, bản thân nó là tốt đẹp. Chỉ có điều chúng ta làm méo mó việc dạy thêm học thêm cho nên mới thấy cần phải cấm. Cứ cho rằng thày dạy toán giỏi, tôi lĩnh hội hết, nhưng đấy chỉ là cái khung phổ thông, tôi muốn học tầm nâng cao hơn nữa thì phải tìm thầy giỏi hơn. Sao cấm tôi học thêm?
Vấn đề đặt ra là phải hạn chế hiện tượng thầy cô dạy trên lớp lại bắt học sinh đến học thêm mình dạy. Đấy là điều không nên vì thầy đã dạy trên lớp rồi, bao nhiêu kiến thức thầy cứ truyền hết cho các con đi, sao lại giữ tủ đến chỗ học thêm mới dạy. Còn giả sử các cháu kém không theo được chương trình, phải giúp nó bằng cách phụ đạo, việc đó nhà trường phải tổ chức dạy bổ sung.
Bàn về dạy thêm, học thêm phải theo quy luật. Còn cấm chỉ là giải pháp phần ngọn. Anh có lo cho người ta đâu mà anh cấm. Hãy xem nước Nhật, trên đường phố không thấy chỗ nào có dòng chữ “Cấm đái bậy”, thế mà chỗ nào cũng sạch bóng. Người ta chu đáo đến từng chi tiết, trên phố thỉnh thoảng lại có một nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp, hiện đại, nước sạch đến nỗi có thể uống được. Được sống như thế, còn ai dám và không nỡ bậy bạ nữa!
Việc gì phải đánh đố học sinh
Cũng có ý kiến cho rằng học thêm nhiều là do thi cử quá căng thẳng?
Đó cũng là một lý do bắt người ta phải đi học thêm, phải đến các lò luyện thi. Bài thi toán chẳng hạn, để được 9-10 có khi thầy cô cũng chả giải được. Sao lại đánh đố học trò.
Chỉ nên ra đề thi vừa đủ với chương trình để các con học chăm, học giỏi là đạt được yêu cầu tối đa. Việc gì phải đánh đố học sinh đến mức ra đề quá lắt léo. Hãy bình thường hóa việc thi cử ở mức vừa đủ thì sẽ hạn chế được phần nào những áp lực học thêm.
Theo ông, nếu không học thêm, chỉ học theo chương trình ở trường phổ thông có thi được không?
Không thể thi được điểm cao. Với đề thi môn toán, nếu thầy cô dạy trên lớp không say mê, đào sâu vào thì chính thầy cô dạy đúng như sách giáo khoa cũng không làm nổi 9-10 điểm với khoảng thời gian như thế. Chưa nói gì đến học trò học bình thường, kể cả học khá đi nữa.
Tôi vẫn không hiểu người ta ra đề thi như thế để làm gì. Ra cực khó để chọn người giỏi 30 điểm, hay để thấy đỗ vào đại học là oai? Mục đích cuối cùng là chọn những người đủ năng lực vào học đại học. Mà những người đủ năng lực vào học đại học thì không cần phải làm được những bài quá khó như thế, miễn là người ta có kiến thức cơ bản.
Trước đây thi đại học có căng thẳng như bây giờ không, thưa ông?
Thời chúng tôi, những năm 60 thi cũng vừa phải, nhẹ nhàng thôi. Những năm 70 có cao hơn, nhưng từ những năm 80 trở lại đây thì đề quá khó. Có năm đề dễ thì lại bảo ra đề làm sao cho ít điểm 10 đi. Cái đó vô lý. Làm sao tạo được sự ổn định là cực kỳ quan trọng để cho học sinh thấy học và thi là bình thường.
Thậm chí ở các nước, đầu vào đại học là bình thường, có căng thẳng như thế đâu. Mà cả quá trình 5 năm người ta sàng lọc đến nơi đến chốn, mới là quan trọng. Vấn đề là đào tạo những người thực tài và có năng lực lao động hơn là đánh đố nhau và làm cho nó căng thẳng.
Phải làm sao tôn vinh người thầy
Dạy thêm còn là cách tạo thêm thu nhập cho giáo viên?
Đấy là vấn đề đãi ngộ. Anh phải trả đồng lương xứng đáng cho người ta đủ sống chứ. Tại sao để đồng lương chết đói? Phải làm sao cho giáo viên say mê nghề và sống được bằng nghề chứ không phải bằng chuyện đi vơ vét và bắt học trò phải học thêm.
Thực ra người trong cuộc cũng không sung sướng gì đâu. Vì bát cơm manh áo nên phải làm. Phải làm sao tôn vinh người thầy bằng cách tạo điều kiện cho người giỏi phát triển tài năng của người ta. Để có đất cho người giỏi hoạt động hay hơn là để họ phải lấm lét đi dạy thêm.
Cũng chính dạy thêm, học thêm khiến quan hệ thầy trò thay đổi?
Không hẳn thế. Mà còn do công nghệ phát triển. Lớp trẻ ngày nay tiếp cận với công nghệ rất nhanh. Tôi luôn phải nói với học trò, ông dạy các cháu là truyền cho các cháu những điều ông hiểu biết. Nhưng ngược lại các cháu lại truyền cho ông những cái các cháu biết để chúng ta cùng nhau hoàn thiện hơn.
Quan hệ giữa thầy và trò, giữa dạy và học hoàn toàn khác xưa. Ngày xưa thầy luôn luôn đúng, thầy phán cái gì là trò phải nghe và làm theo. Ngày nay, thầy chỉ là huấn luyện viên, nhưng là người có kinh nghiệm, có tầm nhìn thì thầy chỉ dẫn cho học trò để phát huy cao hơn nữa thành tích của họ.
Ông nói thế là vì ông không còn bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định trong nhà trường nữa?
Trước đây tôi cũng đã rất thoải mái với học trò. Bởi mình hiểu, trách nhiệm cao quý nhất của người thầy là phát hiện khả năng của từng học sinh để giúp cho mỗi em vào đời với kết quả cao nhất. Mỗi người đều có những tiềm năng tốt, chỉ cần được phát hiện và nâng đỡ để phát triển.
Đừng bao giờ nghĩ rằng em này kém hơn em kia một cách tuyệt đối. Nó có thể kém về cái này nhưng lại rất giỏi về mặt khác. Vấn đề là anh đặt nó vào vị trí nào để nó phát huy cái mạnh của nó thôi. Đấy là hạnh phúc nhất của người thầy chứ không phải nhồi vào đầu học sinh những cái mình biết. Hai cái khác nhau xa, và đó là điều giáo dục cần thay đổi.
Xin cảm ơn ông!