Dày sừng ánh sáng - cẩn thận ung thư da

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người chủ quan với các nốt vẩy da mà không biết đó có thể là bệnh dày sừng ánh sáng. Đây là một tăng sinh da dễ tiến triển thành ung thư.

Chủ quan vẩy da thành ra bệnh nặng

Anh Nguyễn Văn H. (45 tuổi) là công nhân cầu đường, thường phải làm việc ngoài trời. Mấy năm nay anh thấy trên mặt và tay xuất hiện các đốm màu đỏ, khô tróc vẩy. Bệnh xuất hiện vào mùa hè nhiều hơn mùa đông. Nghĩ do trời nắng nóng nên anh chủ quan không đi khám, đến khi các tróc vẩy nhám xù xì xuất hiện nhiều và chuyển màu nâu anh mới đi khám, làm xét nghiệm thì được kết luận: Bệnh dày sừng ánh sáng đã tiến triển thành ung thư da.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, dày sừng ánh sáng (hay còn gọi là dày sừng quang hóa - Actinic Keratosis) là một tổn thương da gây ra bởi tia tử ngoại do ánh nắng mặt trời và có thể tiến triển đến ung thư. 

Dày sừng ánh sáng thường xuất hiện ở vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như vùng mặt, da đầu, mặt duỗi cẳng tay, mu tay. Lúc đầu, bệnh biểu hiện như là một dát màu hồng, rám hoặc đôi khi không có thay đổi nào về màu sắc, bề mặt thô, khô, có ít vảy da. Bệnh thường xuất hiện ở người da sáng màu và trên 40 tuổi, đặc biệt có nhiều năm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ở một số nước với khi hậu nóng và nắng nhiều, 50% người da sáng màu (chủ yếu là người da trắng) có thể xuất hiện tổn thương dày sứng ánh sáng.

Tuy nhiên, dày sừng ánh sáng cũng có thể xuất hiện ở người da sẫm màu. Đôi khi, tổn thương cũng gặp ở người trẻ tuổi do phải tiếp xúc nhiều và thường xuyên với ánh nắng mặt trời.

Cần biết cách bảo vệ da và điều trị sớm

ThS.BS Trịnh Minh Trang, Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu T.Ư chia sẻ, ánh nắng mặt trời được coi là kẻ thù số 1 của làn da, đặc biệt trong mùa hè. Thói quen thích tắm nắng, hoặc làm việc quá nhiều dưới ánh nắng mặt trời có thể gây nên sự phá hủy làn da. Quá trình này có thể làm biến đổi da gây dày sừng.

Qua thời gian, tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh sáng. Nốt dày sừng tăng kích thước chậm. Những mảng này phải mất nhiều năm để phát triển và đôi khi tiến triển thành ung thư tế bào gai, tế bào vẩy và đã có trường hợp tiến thành ung thư biểu mô tế bào đáy. Dày sừng do ánh sáng được coi là giai đoạn sớm nhất của sự phát triển ung thư da.

Vì vậy, không nên chủ quan với mọi biến đổi trên da, đặc biệt là các vẩy da, nốt dày sừng. Dày sừng ánh sáng có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực. Tùy theo mức độ tổn thương mà có các phương pháp điều trị gồm: Các tổn thương khu trú như thường áp dụng điều trị áp lạnh nitơ, đốt laser CO2, đốt điện; Các tổn thương lan tỏa (đây là biểu hiện hay gặp của bệnh) điều trị bằng các thuốc bôi như 5 FU (Fluorouracil), Immiquimod, quang động lực sẽ có hiệu quả tốt; Các phương pháp phẫu thuật thường ít được chỉ định và phương pháp dùng hormon melanotan cũng đang được nghiên cứu.

Để ngăn ngừa bệnh dày sừng ánh sáng và các tổn hại khác trên da do tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời, các bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyên: Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm từ 10 - 16 giờ; Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 - 30 phút trước khi ra ngoài; Sử dụng các chất chống nắng phổ rộng có thể bảo vệ chống lại cả tia cực tím UVA và UVB; Phải bôi lại chất chống nắng sau 2 giờ và bôi cả khi trời có mây; Khi ra ngoài, cần đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng.

Theo Đời sống
back to top