Truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN là nhiệm vụ quan trọng và thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam, nơi tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN giàu kinh nghiệm và tâm huyết.
Sáng 24/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
Thế mạnh đặc biệt khi là nơi tập hợp đội ngũ trí thức đông đảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao cho hay, truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ là nhiệm vụ quan trọng và cũng là thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên.
|
Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
Liên hiệp Hội Việt Nam là nơi tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN, các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong việc truyền bá kiến thức cho cộng đồng, người dân và xã hội.
Thông qua hệ thống báo chí; công tác xuất bản; các sự kiện, tọa đàm, hội thảo, tập huấn và qua các hình thức truyền thông khác như: Các kênh mạng xã hội, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp... công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức của VUSTA đã góp phần nâng cao dân trí và phát triển nền khoa học và công nghệ quốc gia.
Mặc dù, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác phổ biến kiến thức của VUSTA và các tổ chức thành viên vẫn còn một số tồn tại. Do vậy, giai đoạn 2025-2030, VUSTA và các hội thành viên cần có kế hoạch/chương trình cụ thể.
|
Bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó trưởng ban TT&PBKT VUSTA báo cáo tại Hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
Báo cáo công tác Phổ biến kiến thức của VUSTA, bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó trưởng ban TT&PBKT cho hay, các hội thành viên của VUSTA có thế mạnh đặc biệt, là nơi tập hợp lực lượng trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia đông đảo trong nhiều ngành, lĩnh vực, có lợi thế trong việc triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN.
VUSTA là tổ chức được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đại diện cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN diễn ra thường xuyên, liên tục, được hội viên, xã hội và các cơ quan liên quan ghi nhận, trong đó, có việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức thông qua hệ thống báo chí.
Sau khi quy hoạch báo chí toàn quốc, các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí của VUSTA và các hội thành viên có sự thay đổi khá nhiều về hình thức tổ chức và số lượng, chỉ còn một tờ báo duy nhất là Báo Tri thức và Cuộc sống và gần 70 cơ quan tạp chí trong hệ thống, cùng một nhà xuất bản là NXB Tri thức.
Tuy nhiên, với sự tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí VUSTA và các hội thành viên có những bước chuyển mình, đã không ngừng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kiến thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong các ngành, lĩnh vực giúp nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng tính thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống cho người dân trên khắp vùng miền đất nước.
Những nhiệm vụ và kế hoạch cụ thể cần giải quyết được một số vấn đề lớn đặt ra mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay về công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của VUSTA và các hội thành viên, đó là: Làm thế nào để hoạt động phổ biến kiến thức của VUSTA và các tổ chức thành viên đạt được kết quả ngang tầm nhiệm vụ? Làm thế nào để tạo được các dấu ấn nổi bật về hoạt động phổ biến kiến thức của VUSTA và các hội thành viên? Làm thế nào để xây dựng thương hiệu uy tín trong lĩnh vực Phổ biến kiến thức gắn với VUSTA và các hội thành viên?
Đề nghị đổi lại tên báo, trở về Báo Khoa học và Đời sống
Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ luôn được Liên hiệp Hội Hà Nội và các hội thành viên xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Liên hiệp Hội Hà Nội đã xây dựng và quản lý tốt website husta.org. với nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, tập trung chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh...
|
TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội. Ảnh: Mai Loan. |
Tuy nhiên, hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những bất cập, chưa hình thành được ấn phẩm, bản tin; tính chuyên nghiệp còn yếu; hoạt động giới thiệu những thành tựu, kết quả khoa học và công nghệ, tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chưa thực sự hiệu quả...
Ông Lê Xuân Rao cho rằng, để có căn cứ pháp lý triển khai hoạt động phổ biến kiến thức trong hệ thống liên hiệp hội từ Trung ương đến địa phương, VUSTA cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cụ thể hóa Điều 48 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 hoặc điều chỉnh điều 48 theo hướng lồng ghép một số nội dung trong Chiến lược Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang soạn thảo.
Chỉ ra những khó khăn trong hoạt động phổ biến kiến thức của Hội, GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng, hiện chưa có cơ chế, quy chế rõ ràng để phối hợp với các Hội, các Liên hiệp Hội của Trung ương với các địa phương ngay cả các hội ngành trong khối Nông nghiệp.
|
GS .VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Kinh phí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông và phổ biến kiến thức còn hạn chế. Còn nhiều hạn chế trong huy động nguồn lực từ đề tài và dự án hợp tác quốc tế.
Để thực hiện tốt công tác phổ biến kiến thức, theo GS Trần Đình Long, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tổ chức, phương thức, hình thức phổ biến kiến thức.
Đa dạng hóa các hình thức phổ biến kiến thức như diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ. Cùng với đó, xuất bản các ấn phẩm như sách, báo, tạp chí, sổ tay hướng dẫn, tờ rơi...
Cần có bước đột phá trong việc ứng dụng kỹ thuật số, thông tin điện tử, phổ biến qua mạng, sách, báo điện tử.
GS Trần Đình Long đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam là đầu mối để kết nối tổ chức các diễn đàn, hội thảo giữa Liên hiệp Hội Việt Nam với các hội ngành TƯ và các Liên hiệp Hội các địa phương, huy động tối đa nguồn nhân lực từ các hội ngành Trung ương.
Cần có bước đi đột phá trong việc huy động nguồn lực cho Công tác phổ biến kiến thức từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Khoa học Công nghệ; các tổ chức quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường các mục về thông tin và phổ biến kiến thức khoa học về phát triển Kinh tế-Xã hội, các chuyên mục liên quan đến sinh kế cho nông dân và dân nghèo thành thị trên báo Tri thức và Cuộc sống qua báo giấy và báo điện tử.
Đặc biệt, ông Long đề nghị đổi lại tên Báo Tri thức và Cuộc sống về lại tên Báo Khoa học và Đời sống. "Đây là tờ báo đã có thương hiệu 65 năm, nghe đến tên Khoa học và Đời sống là nghĩ ngay tới một tờ báo khoa học uy tín", GS Long nhấn mạnh.