Trước khi nghỉ hưu, ông H.H (ở Thái Bình) là công chức nhà nước, vợ ông làm giáo viên, hai người có một con trai. Cuộc sống gia đình không quá dư dả nhưng rất êm đềm, hạnh phúc.
Ông H.H chết lặng khi biết vợ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối - Ảnh minh họa. |
Nhận “án tử”
Ông H.H tâm sự, trước khi con trai trưởng thành, vợ chồng họ chưa bao giờ bắt con phải nấu cơm, cũng không để dọn dẹp nhà cửa. Cha mẹ chỉ mong con làm tốt một việc, đó là học tập chăm chỉ và phấn đấu có sự nghiệp tốt đẹp cho bản thân. Con trai thi đại học, điểm số đứng thứ ba trong xã, đỗ vào trường trọng điểm và làm việc ở thành phố sau khi tốt nghiệp.
“Bây giờ, con trai tôi 36 tuổi, vẫn độc thân. Vợ chồng tôi mấy lần ép con lấy vợ nhưng không thành. Lúc đầu, nó giải thích là muốn phấn đấu hơn cho sự nghiệp, sau lại nói là không có tiền mua nhà ở thành phố. Nghĩ thương con, chúng tôi sống tằn tiện, chi tiêu tối thiểu cho sinh hoạt hàng tháng, còn lại gom góp làm sổ tiết kiệm để con nhanh chóng mua được nhà", ông H nói.
Thế nhưng, mơ ước của ông bà chưa thành hiện thực thì hai tháng trước, vợ ông H.H thấy đau bụng khi đang ăn. Nghĩ rằng vợ đau dạ dày, người chồng vội đi mua thuốc uống, tình trạng có đỡ hơn.
Tuần trước, vợ ông H.H lại đau bụng đến mức không ăn được. Họ đưa nhau đến bệnh viện kiểm tra tổng thể. Nhận kết quả, ông H.H chết lặng khi vợ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Thương vợ, ông cố gặng hỏi bác sĩ cách chữa bệnh, kéo dài sự sống.
Day dứt khôn nguôi
Điều làm ông H.H choáng váng nhất là khi xin lại số tiền đã đưa con trước đó để chữa bệnh cho vợ, con trai lại phản đối. Quan điểm của anh là từ bỏ việc điều trị càng sớm càng tốt. Thay vào đó, thời gian còn lại nên làm mọi việc mà mẹ mong ước, khao khát suốt bấy lâu, sống hết mình, không hối tiếc.
"Con trai tôi nói ung thư dạ dày giai đoạn cuối không thể chữa khỏi, không có hy vọng phục hồi. Kể cả có tiêu hết tiền điều trị cũng chỉ kéo dài sự sống thêm vài tháng ngắn ngủi, nhất là trong quá trình điều trị, vợ tôi sẽ phải chịu đựng đau đớn vô cùng. Do vậy, theo nó, không nên đổ hết tiền vào chữa bệnh mà hãy tiêu tiền làm giảm đau cho vợ tôi, đưa bà ấy đi du lịch, làm mọi thứ mà bà ấy muốn, để đến khi nhắm mắt xuôi tay không còn gì phải hối hận”, người chồng nói.
Ông bảo, thực ra khi mới nghỉ hưu, ông cũng từng nghĩ “bệnh nhẹ thì chữa, bệnh nặng mặc cho số trời”. Nhưng sau khi chuyện không may xảy ra với vợ, ông H.H thấy mình không thể nghĩ thoáng được như con trai nên vô cùng day dứt.
“Có hôm, tôi thấy bà ấy ngồi khóc một mình trong phòng. Tôi biết, bà ấy không muốn tiếp tục điều trị nhưng cũng không nỡ lòng rời xa bố con sớm", ông H.H nghẹn ngào nói.