Day ấn huyệt tay chữa ngay nhiều bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ từ 5-10 phút day, ấn, xoa bóp lên các huyệt vị trên bàn tay, những cơn đau nhức cũng như trạng thái mệt mỏi của nhiều bộ phận trên cơ thể sẽ dần biến mất… Có những cách bấm huyệt bàn tay chữa bệnh đơn giản mà chúng ta không ai ngờ đến.

Chi phối các cơ quan phủ tạng

Nếu xét tới các huyệt ở tay, thì mỗi ngón tay lại liên quan tới cả các cơ quan phủ tạng trong cơ thể. Day huyệt ở ngón cái: có tác dụng loại bỏ lo âu, trầm cảm và điều hòa hoạt động của dạ dày và lá lách. Day huyệt ở ngón trỏ: rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Day huyệt ở ngón giữa: có thể giúp giảm nhức đầu, cải thiện các bệnh về mắt, sức khỏe tim mạch, giảm đau bụng kinh, giúp cho gan và hệ thần kinh hoạt động hiệu quả. Day huyệt ở ngón áp út: rất tốt cho hệ tiêu hóa và phổi. Day huyệt ở ngón út: có thể giúp giảm lo lắng, đau họng, tốt cho hoạt động của tim và hệ mạch, hỗ trợ điều trị bệnh về xương khớp. Day huyệt ở lòng bàn tay: Chi phối hầu hết rất nhiều cơ quan khác nhau.

Ngón giữa nằm ở chính giữa bàn tay và cũng đóng vai trò quan trọng hơn so với những ngón còn lại. Ngón giữa tương ứng với phần trung tâm của cơ thể. Nó chi phối đầu, bụng, bộ phận sinh dục… Đặc biệt, huyệt Bách hội ở đầu ngón giữa còn có rất nhiều công dụng trong điều trị bệnh. Điển hình nhất có thể kể đến bệnh cao huyết áp. Bấm vào huyệt ở đầu ngón giữa có thể làm giảm huyết áp, giảm sự phấn khích của hệ thần kinh giúp điều hòa lại huyết áp và nhịp tim.

Chữa một số bệnh đơn giản hiệu quả

Các bệnh về xương khớp: Khi cảm thấy xương khớp đau nhức, mỏi mệt, bạn có thể xoa bóp nhẹ nhàng bàn tay. Sau đó, day huyệt và massage các ngón tay. Việc day huyệt có thể giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đau tay, đau nhức lòng bàn tay, đau mỏi cánh tay do các chứng viêm khớp. Đồng thời, giải tỏa căng thẳng giúp cho tinh thần trở nên thư thái hơn.

Cảm lạnh, viêm họng: Xoa nhẹ nhàng rồi tăng dần để làm ấm toàn bàn tay. Sử dụng các ngón tay, bóp và day nhẹ các  mấu thịt ở đầu ngón tay của tay còn lại. Chà miết làm ấm ngón tay cái cũng như màng nối giữa các kẽ ngón tay với nhau. Thực hiện với lực vừa phải, không quá mạnh, không quá nhẹ để tránh tốn thưởng/không đạt được tác dụng như mong muốn.

Đau dây chằng, đau mỏi cổ: Mỗi ngón tay tương ứng với các vùng dọc cơ thể. Đầu ngón tay sẽ ứng với đầu, kế tiếp là phần cổ và vai. Thường thì vai cổ sẽ ứng với vùng trên sát với lằn khớp đầu ngón tay. Tùy theo độ dài của ngón tay mà bạn phân chia ra vị trí nào ứng với cổ vai để massage giảm đau hiệu quả. Bấm nhẹ nhàng phần tương ứng trên 10 đầu ngón tay, bạn sẽ thấy những cơn đau dần được dịu bớt. Và sự thoải mái, thư giãn sẽ dần trở lại.

Đau đầu, mệt mỏi: Chứng đau đầu có thể được cải thiện nếu bạn bấm vào huyệt trên mu bàn tay ngay khoảng giữa ngón trỏ và ngón cái. Đó là vị trí của huyệt Hợp cốc. Huyệt này có tác dụng rất tốt làm giảm cơn đau đầu nhanh chóng. Điểm giữa móng tay của ngón giữa khi được ấn trực tiếp với lực vừa đủ có thể xoa tan cơn mệt mỏi.

Đau dạ dày, đau bụng kinh: Dùng lực ở đầu ngón tay cái, ấn nhẹ lên phần lòng bàn tay hoặc xoa bóp, massage ngón cái. Do các huyệt đạo trên ngón cái có liên quan mật thiết với dạ dày và lá lách nên có tác dụng khá tốt giúp giảm cơn đau. Nếu đau bụng kinh: xoa nhẹ hai bàn tay vào nhau đến khi cảm thấy ấm nóng. Sau đó, bấm nhẹ nhàng huyệt nằm ở điểm ngoài cùng ngón út và dưới móng tay ngón trỏ.

Sơ đồ huyệt tay.

Sơ đồ huyệt tay.

Một số lưu ý

Khi thực hiện day ấn huyệt tay nên xoa hai bàn tay vào nhau hoặc làm ấm vùng cần bấm huyệt bằng cách mát xa nhẹ nhàng để tăng độ mẫn cảm và hiệu quả. Chính vì vậy khi mang thai nếu muốn bấm huyệt bàn tay trị bệnh, cần xin ý kiến của bác sĩ. Ấn day huyệt vào thời điểm này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Những người đang mắc phải những căn bệnh nguy hiểm cấp tính, ung thư… cần xem xét thật kỹ trước khi thực hiện bấm huyệt tay. Bởi phương pháp này có hiệu quả không thua kém gì so châm cứu.

Khác biệt duy nhất là đôi tay đã thay thế vai trò của kim châm. Cách an toàn hơn cả là trước khi thực hiện day ấn huyệt tay tại nhà nên đi khám sức khỏe và tham khảo ý kiến kỹ lưỡng tại các cơ sở Đông y uy tín để biết chính xác mình nên hay không nên sử dụng phương pháp này.

BS Nguyễn Tuyết Lan, Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Theo Đời sống
back to top