<div> <p>Tại tọa đàm “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: Nút thắt và giải pháp” chiều 25.9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đầu tư cho đường sắt thường gấp 3 đến 4 lần so với đường bộ. Nếu không có sự bảo vệ của Nhà nước thì rất khó kêu gọi đầu tư.</p> <p>Trong vài năm gần đây, dịch vụ vận tải đường sắt đã có những bước cải thiện, tỉ lệ tàu Thống nhất chạy Bắc-Nam và tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt gần 99%, đến đúng giờ đạt gần 90%...</p> <p>Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt già nua đang đặt ra nhiều khó khăn. Đặc biệt với hơn 1.500 đường ngang và hơn 4.000 lối đi tự mở, trung bình 1km đường sắt có 2,2 giao cắt đồng mức trong khi gần 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các vị trí này.</p> <p>Theo thống kê toàn tuyến đường sắt có 1.852 cầu nhưng có gần một nửa xuống cấp, chưa được đầu tư, có 39 hầm thì 22 hầm cần được cải tạo. Tải trọng cầu đường trên tuyến Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh không đồng đều dẫn tới khả năng vận chuyển toàn tuyến bị giảm sút.</p> <p>Bên cạnh đó, đường sắt vận hành chủ yếu trên khổ đường 1m, chiếm 85% hệ thống đường sắt cả nước. Toàn tuyến có 297 nhà ga nhưng phần lớn quy mô nhỏ, hạ tầng cũ. Thị phần vận tải đường sắt cả hàng hóa và hành khách hiện chỉ còn dưới 2%.</p> <p>Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Vũ Anh Minh, khó khăn của ngành đường sắt do suất đầu tư thấp, kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng 30-40%, mỗi năm tích tụ lại đến nay trở thành thân thể già nua.</p> <p>Cùng đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đầu tư cho đường sắt thường gấp 3 đến 4 lần so với đường bộ, 1km đường sắt khổ 1.435mm thông thường gấp 4 lần đường bộ cấp 3, đường sắt cao tốc gấp 4 lần đường bộ cao tốc.</p> <p>Ông Đông cho rằng Nhà nước phải đứng vai trò chủ đạo, tập trung đầu tư chứ không phải tư nhân, phải hài hòa các loại hình vận tải, không chỉ dựa vào cơ cấu vận tải đường sắt hiện tại để tính toán đầu tư cho lĩnh vực này.</p> <p>Nếu không có sự kiên định, bảo vệ của Nhà nước thì rất khó kêu gọi đầu tư. Đầu tư cho đường sắt phải đồng bộ từ hạ tầng đến phương tiện, điều hành trong khi suất đầu tư lớn, thu hồi vốn trong thời gian dài.</p> <p>Nhà nước phải đầu tư hạ tầng, một số hạng mục như nhà ga có thể kêu gọi tư nhân khai thác, cục bộ một số tuyến đường sắt đô thị có thể kêu gọi tư nhân đầu tư bằng cách phát triển đô thị gần đó hoặc hỗ trợ. Nhà nước cũng có thể giao cho tư nhân khai thác hạ tầng bằng cách nhượng quyền.</p> </div> <p> </p>