<div> <p>Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án <strong>Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)</strong>. Đề cập đến vấn đề “bù doanh thu”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, khi đấu thầu, ký kết hợp đồng dự án PPP thì phải “lời ăn, lỗ chịu”. Chính vì vậy, việc đòi bù doanh thu là bất hợp lí, không công bằng, gây tư tưởng ỉ lại cho nhà đầu tư.</p> <p>Tuy nhiên, trong trường hợp triển khai dự án đặc biệt, ông Bình lại ủng hộ phương án bù doanh thu. Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị phải giám sát chặt chẽ các dự án PPP để ngăn chặn lợi dụng rủi ro để “mưu lợi”.</p> <p>Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cơ quan Nhà nước khi ký hợp đồng phải xác định mình là đối tác bình đẳng với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhà nước và doanh nghiệp như “ngồi cùng thuyền”. Nếu dự án “chìm xuồng”, Nhà nước ảnh hưởng, ngược lại dự án nhanh về đích thì Nhà nước được lợi.</p> <p>Liên quan đến khái niệm giá, phí vốn gây nhiều tranh luận thời gian qua, theo ông Kiên, khi làm luật phải hiểu là giá, còn gọi phí do "quen mồm".</p> <div> <div><img alt="Đấu thầu dự án PPP thì 'lời ăn, lỗ chịu', sao phải bù doanh thu - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/05/nguyen_duc_kien_soc_trang_illk.jpg" /><span>Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh Tế Nguyễn Đức Kiên. Ảnh Như Ý</span></div> </div> <p>“Giá, phí, hay tiền boa vẫn là tiền của người sử dụng trả cho người đầu tư, quản lý tuyến đường”, ông Kiên nhấn mạnh.</p> <p>Đại biểu đoàn Sóc Trăng cho rằng, chuyện phản ứng thu phí vừa qua không chỉ ở Việt Nam. Như ở Mỹ trước đây, khi rà soát, phân cấp tài chính của Chính phủ liên bang, các bang cũng sử dụng nhà đầu tư tư nhân vào cao tốc rồi thu phí. Thế rồi hiệp hội vận tải, lái xe phản ứng. Hay như Chile cũng là điển hình phát triển kinh tế Nam Mỹ, thậm chí tình trạng chống lại PPP ban đầu còn mạnh hơn ở Mỹ.</p> <p>Nêu quan điểm ngành luôn đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, chủ trương này mới chỉ thu hút nội địa, chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án lớn.</p> <p><strong>"Thể chế, thể chế và thể chế"</strong></p> <p>Theo Bộ trưởng GTVT, do Việt Nam là nước đang phát triển, đang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nên quy hoạch 5 năm điều chỉnh 1 lần. Nhưng một dự án PPP có thể kéo dài tới 15 - 20 năm. Do vậy trong vòng đời của dự án PPP có thể điều chỉnh quy hoạch 3 - 5 lần.</p> <p>Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi 3 bảo đảm: doanh thu, chia sẻ rủi ro, đồng thời muốn mang tiền đầu tư là ngoại tệ, không thể mang USD vào rồi mang tiền đồng về. Bên cạnh đó, họ cũng sợ yếu tố trượt giá.</p> <p>Theo Bộ trưởng Thể, trong việc bảo lãnh doanh thu, nếu nhà đầu tư lỗ, Nhà nước chia sẻ 50%, còn nếu họ lãi tốt thì chúng ta cũng được chia lợi nhuận 50%.</p> <p>Nêu ý kiến về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để tham gia vào lĩnh vực này, tất cả các nhà đầu tư đều hỏi đến yếu tố luật pháp, họ chỉ tin vào luật và phải có luật họ mới làm, vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư.</p> <p>Thủ tướng cũng nhấn mạnh chủ trương, trong một số lĩnh vực không cần thiết đầu tư công, vai trò Nhà nước cần thấp xuống, ngược lại, vai trò của tư nhân phải cao hơn. Nguồn lực trong dân còn rất lớn, nhưng nếu chưa có luật pháp bảo vệ họ thì họ không bỏ tiền đầu tư, nên phải có luật pháp cụ thể.</p> <p>Đặc biệt về yếu tố kinh tế, Thủ tướng cho rằng, đã đầu tư thì hai bên đều phải có lợi. "Thuyền lên nước lên", như vậy mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Đồng thời phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý, minh bạch, khách quan... mới giải quyết được vấn đề.</p> <p>“Hiện nay, do chồng chéo, vướng mắc của luật pháp nên người ta chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển được. Thể chế, thể chế và thể chế…”, Thủ tướng nhấn mạnh.</p> <p> </p> </div> <p> </p>