Dầu thải cực độc từ nhiệt phân săm lốp cao su
Tại biên bản kiểm tra ngày 19/10, của Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) nêu, từ năm 2012 Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) được Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Phú Thọ chấp thuận cho vận hành 2 dây chuyền sử dụng nhiên liệu từ chiết xuất săm lốp cao su thải thay thế khí hóa than. Trung tâm kiểm định môi trường (thuộc Cục Cảnh sát Môi trường) đã thu các mẫu chất lỏng có màu đen tại các thùng được đại diện Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà xác định là chất thải còn lại và cùng loại với chất thải mà Lý Đình Vũ chở ra khỏi Công ty này vào ngày 7/10.
Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, đây là loại dầu thải rất độc hại. Công nghệ này nung lốp cao su phế thải để thu dầu FO - R làm nhiên liệu đốt được sử dụng cho các nhà máy gạch men, xi măng... Ngoài ra, công nghệ này còn thu được than carbon, khí gas, thép dây và một phần cặn lẫn với nước nhiễm dầu (còn gọi là dầu thải). Dầu thải này thành phần chủ yếu là các hydrocacbon mạch vòng, khối lượng phân tử lớn, các hợp chất của lưu huỳnh, các phức kim loại: sắt, nhôm, kẽm, chì... các muối canxi, silic, magie... Phần nước nhiễm dầu và cặn này không thể cháy, cực bền về hóa học, mùi hôi đặc trưng, tiếp xúc qua bay hơi cũng có thể gây nôn mửa, dị ứng, rất nguy hiểm.
Khi đã xác định được loại dầu gì thì chúng ta cần có các phương pháp khử độc nguồn nước tương ứng. Bởi thành phần trong dầu thải này rất phức tạp, không chỉ có styren như công bố.
Cần đến cả nhà máy xử lý
TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Công nghệ lọc hóa dầu và vật liệu xúc tác hấp phụ (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, phần cặn lắng từ quá trình nhiệt phân săm lốp cao su phế thải rất độc hại, có nhiều hydrocacbon thơm đa vòng. Để xử lý hợp chất trong nước đòi hỏi quy trình tương đối phức tạp, vì hợp chất có hai phần rắn và lỏng. Phần rắn không tan trong nước sẽ bị lắng, còn hạt nhỏ đi vào dòng nước sẽ có cặn nếu không lọc tách mà dùng cho sinh hoạt hằng ngày sẽ rất độc. Còn phần hydrocacbon lỏng trong quá trình nhiệt phân không tách hết được sẽ đi theo phần rắn, lẫn vào trong nước cần một phương pháp rất phức tạp mới có thể tách ra được. Dầu thải trong vụ việc này không phải là dầu thải trong máy móc (bởi dầu máy móc dù đã thải ra vẫn sử dụng được vào nhiều mục đích khác nhau, phải mất tiền mua).
Để xử lý được dầu thải từ quá trình nhiệt phân săm lốp phế thải rất tốn kém, cần cả một nhà máy. Còn phương pháp lọc bằng máy ozon hay màng lọc than hoạt tính gần như vô hiệu. Vì lợi nhuận, những cơ sở nhiệt phân cao su, lốp xe không thuê đơn vị xử lý mà thông thường sẽ chôn lấp, đổ ở chỗ nào đó bí mật, kín đáo. Còn chất styren (chất được đề cập nhiều trong các bản công bố về chất lượng nước từ nhà máy nước sạch sông Đà) là 1 trong hàng nghìn chất trong dầu FO. Các chất đó có tổ hợp chất: kẽm, chì, lưu huỳnh và nguy hiểm nhất là hydrocarbon mạch vòng. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra chỗ đổ dầu thải xem lượng tồn dư là bao nhiêu, gồm những chất gì để có biện pháp xử lý.
Đối với hồ Đầm Bài cần phải được nạo vét xử lý hết những chất tồn dư bị lắng đọng nếu không các chất này sẽ nằm ở đáy hồ và trôi ra từ từ… Và quan trọng nhất là kiểm tra sâu nguồn nước xem có các chất như Hydrocacbon, hợp chất lưu huỳnh những chất rất độc hại với cơ thể hay không để có phương pháp xử lý triệt để những chất độc hại có thể phát tán vào nguồn nước.
Ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước, đảm bảo đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.