Đau mắt đỏ dùng thuốc gì?

Thuốc nhỏ đau mắt đỏ là thuốc kháng sinh, dạng dung dịch hoặc dạng mỡ tra để đưa vào mắt, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm triệu chứng đau mắt đỏ. Hầu hết thuốc nhỏ đau mắt đỏ thường là thuốc kê đơn.

Hỏi: Tôi thấy nhiều người bị đau mắt đỏ tự mua thuốc điều trị bị biến chứng nặng loét giác mạc, mủ tiền phòng.... Xin hỏi, vậy phải dùng thuốc nào cho nhanh khỏi?

Đỗ Thị Hương (Hà Nội)

Đau mắt đỏ dùng thuốc gì? ảnh 1

Đau mắt đỏ dùng thuốc gì?

Trả lời: Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc do vi rút, vi khuẩn, dị ứng hoặc các hóa chất gây kích ứng mắt; trong đó vi rút thường gây bùng phát thành dịch đau mắt đỏ, dễ lây từ người này sang người khác.

Thuốc nhỏ đau mắt đỏ là thuốc kháng sinh, dạng dung dịch hoặc dạng mỡ tra để đưa vào mắt, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm triệu chứng đau mắt đỏ. Hầu hết thuốc nhỏ đau mắt đỏ thường là thuốc kê đơn, áp dụng phổ biến cho những ca đau mắt đỏ nặng. Hiện có 5 loại thuốc nhỏ mắt đỏ được nhiều chuyên gia khuyên dùng:

Ofloxacin: Là một loại kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm fluoroquinolone, trị đau mắt đỏ do vi khuẩn, kể cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Thuốc không có hiệu quả điều trị nhiễm trùng mắt do vi rút.

Với bệnh nhân đau mắt đỏ, có thể nhỏ thuốc Ofloxacin 4 lần/ngày với liều lượng 2 giọt mỗi bên mắt. Tác dụng phụ của thuốc: Mắt bị châm chích nhẹ hay giác mạc bị kích ứng, rối loạn thị giác ảnh hưởng đến tầm nhìn, ngứa hoặc nổi ban trên mắt hoặc có thể cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, uể oải…

Levofloxacin: Là kháng sinh nhóm fluoroquinolone, được bào chế ở nhiều dạng khác nhau. Trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, thường dùng Levofloxacin dạng nước nồng độ 0,5%.

Ciprofloxacin: Là thuốc kháng sinh kê đơn thuộc nhóm fluoroquinolone, được bào chế dưới nhiều dạng như viên nén, thuốc tiêm, thuốc mỡ, thuốc nhỏ, trong đó dạng thuốc nhỏ được dùng để điều trị các đau mắt đỏ.

Khi nhỏ thuốc vào mắt, thuốc Ciprofloxacin sẽ ức chế enzyme DNA gyrase và topoisomerase IV khiến vi khuẩn mất khả năng sinh sản, giúp kiềm hãm tốc độ tiến triển và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Sử dụng thuốc với tần suất 2 giờ/lần. Thuốc mạnh, tác dụng nhanh. Sau 2 – 3 ngày nhỏ thuốc, các triệu chứng đau mắt đỏ sẽ giảm dần.

Neomycin: Là kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm aminoglycosid có thể tiêu diệt cả vi khuẩn gram âm lẫn gram dương. Thuốc có 2 dạng là dung dịch nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt từ 3 – 4 lần/ngày. Khi sử dụng thuốc này, người bệnh đau mắt đỏ có thể bị ngứa rát, kích ứng kéo dài khoảng 1 tuần.

Tobramycin: Tobramycin là một loại kháng sinh mạnh, thuộc nhóm aminoglycosid, được bào chế với 2 dạng, dạng dung dịch và dạng mỡ tra mắt. Với bệnh đau mắt đỏ, thuốc Tobramycin 0,3% được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp bệnh do vi khuẩn gram âm.

Người bệnh có thể sử dụng riêng hoặc kết hợp cả 2 loại thuốc, dạng nước vào ban ngày và thuốc mỡ vào buổi tối. Người bệnh đau mắt đỏ được chỉ định sử dụng Tobramycin mỗi 4 giờ/lần trong 5 – 7 ngày. Mỗi lần nhỏ 1 giọt/mắt.

Ngoài ra, người bệnh đau mắt đỏ có thể sử dụng thêm một số loại thuốc không kê đơn có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh như nước mắt nhân tạo hay thuốc kháng histamin (thuốc dị ứng).

Thuốc nhỏ đau mắt đỏ thường là kháng sinh, không có lợi cho đôi mắt khỏe mạnh, chỉ dùng trong điều trị bệnh về mắt do nhiễm trùng. Do đó, trừ trường hợp bác sĩ có chỉ định, người bệnh đau mắt đỏ nên dừng sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt đỏ. Người không bị bệnh không nên sử dụng.

ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng (Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)

Theo Đời sống
back to top