So với tôm tươi, tôm khô có thể sử dụng lâu dài, tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho bà nội trợ. Song, để thu lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất đã tẩm ướp hóa chất để tăng hương vị, màu sắc... cho tôm khô.
Ảnh: Thedailymeal |
Theo bác sĩ dinh dưỡng Dương Thị Phượng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tôm khô tự nhiên có tôm nõn chế biến từ tôm sú tươi, bóc sạch vỏ, cắt bỏ đầu rồi phơi khô dưới nắng mặt trời. Tôm khô bóc sẵn là tôm tươi sống sau khi đánh bắt, làm sạch, được hấp sơ và tiến hành lột vỏ. Giá mỗi loại khác nhau, tùy thuộc mùa vụ và kích thước con tôm. Tôm khô tự nhiên chất lượng rất ngon, ngọt, an toàn sức khỏe người dùng.
Một số nơi chế biến đã tẩm ướp tôm khô bằng formol để tăng độ dai, giòn, màu sắc đẹp. Hóa chất formol tồn lưu trong tôm khô ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Formol có thể gây bệnh viêm da dị ứng, nổi mề đay, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày. Thai phụ dùng thực phẩm nhiễm formol sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, hấp thụ lượng lớn còn làm thai nhi bị dị dạng. Ăn tôm tẩm hóa chất lâu ngày sẽ tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, hệ hô hấp...
Theo bác sĩ Phượng, để nhận biết tôm khô sạch và loại tẩm hóa chất cần dựa vào cảm quan. Quan sát trực tiếp, tôm bẩn có màu sắc bắt mắt, sặc sỡ nhưng trông kém tự nhiên. Khi đốt có mùi khét, ngâm trong nước tôm vẫn cứng như cao su, thậm chí còn bị phai màu ra nước. Tránh mua tôm khô to hơn chiếc đũa vì phần lớn có thể tôm được ngâm hóa chất cho nở to ra. Khi cho vào cối giã, nếu tôm khô giả làm từ nhựa hay cao su thì hình dạng sẽ không thay đổi. Tôm thật khi giã thân tôm sẽ bị bẹp ra, thịt bung ra từng mảng.
Ngoài cách chọn mua ở những cơ sở uy tín, để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều bà nội trợ tự sấy tôm khô tại nhà. Tôm sau khi làm sạch, sấy ở nhiệt độ 55-70 độ trong 5-7 giờ. Nên chọn nguyên liệu tôm tươi để làm, sau khi sấy khô cần bảo quản trong túi nilon hoặc hộp thủy tinh đậy kín để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn.