Dấu hiệu nhận biết suy nhược thần kinh, cần lưu ý

Suy nhược thần kinh là bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mọi đối tượng, độ tuổi đều có thể mắc phải, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não và một số trung khu dưới vỏ do tế bào não phải làm việc quá căng thẳng, dẫn tới tình trạng quá tải và suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hồi phục và tái tạo toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.

Bệnh cũng có nhiều tên khác như là chứng suy nhược tuần hoàn thần kinh, suy nhược mạn tính, bệnh tim mạch chức năng, suy nhược thần kinh nguyên phát, suy nhược thần kinh bán cấp và tim dễ kích thích.

Nguyên nhân của suy nhược thần kinh

Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh khá đa dạng nhưng chủ yếu là do vấn đề căng thẳng tâm lý, áp lực, stress kéo dài trong cuộc sống và công việc.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể dẫn đến bệnh là:

Thần kinh yếu.

Yếu tố kích thích thần kinh xuất hiện thường xuyên trong môi trường sống như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, điều kiện sống không tốt, môi trường học tập và làm việc nhiều áp lực,...

Các bệnh lý mạn tính gây cảm giác khó chịu kéo dài cho cơ thể như: Viêm loét dạ dày, viêm túi mật, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...

Chế độ dinh dưỡng chưa đầy đủ, thiếu dinh dưỡng và thiếu năng lượng cho hoạt động của bộ não.

Làm việc quá nhiều nhưng ngủ không đủ giấc, mất ngủ trong thời gian dài.

Nghiện sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc,...

Lao động trí óc kéo dài.

Dấu hiệu nhận biết suy nhược thần kinh, cần lưu ý. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết suy nhược thần kinh, cần lưu ý. Ảnh minh họa

Dấu hiệu cảnh báo suy nhược thần kinh

Khó tập trung

Suy nhược thần kinh có thể ảnh hưởng đến cả tâm trí và cơ thể. Căng thẳng do suy nhược kéo dài có khả năng dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc não, ảnh hưởng đến trí nhớ và khó tập trung. Trong trường hợp suy nhược nặng, cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol gây mất trí nhớ.

Mất ngủ

Giấc ngủ thường không sâu, hay ngủ mơ, hoặc trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, sáng dậy thấy mệt mỏi rã rời, uể oải, toàn thân nặng nề. Ban ngày cảm thấy buồn ngủ, ngủ gà nhưng lên giường nằm lại không ngủ được.

Nhức đầu

Người bệnh nhức đầu âm ỉ, đau toàn bộ hay khu trú vùng trán, vùng đỉnh đầu hoặc vùng thái dương. Thời gian nhức đầu xuất hiện rất khác nhau tùy từng bệnh nhân, có thể bị suốt ngày hoặc một vài giờ; tăng lên khi xúc động, mệt mỏi và giảm khi thoải mái, ngủ tốt.

Thay đổi khẩu vị

Một số người giải quyết căng thẳng bằng cách ăn nhiều hơn, thích ăn đồ ngọt để tăng cảm giác vui vẻ, thoải mái. Điều này có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn. Những người khác lại mất cảm giác ngon miệng do stress.

Vấn đề về tiêu hóa

Stress, lo lắng có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày như chuột rút, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy. Với người mắc hội chứng ruột kích thích, tình trạng này có thể làm bệnh bùng phát, khó chịu đường tiêu hóa.

Rối loạn thần kinh thực vật

Mạch không ổn định; huyết áp dao động, thường là hạ huyết áp. Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, đau vùng tim, thở gấp, thân nhiệt tăng hoặc giảm, tăng tiết mồ hôi, liệt dương, rối loạn vòng kinh...

Triệu chứng tâm thần

Rối loạn cảm xúc, dễ xúc động, hay cáu gắt, bực bội, hồi hộp lo lắng, khí sắc hơi trầm. Khả năng tập trung, chú ý kém; giảm sút trí nhớ. Người bệnh luôn trốn tránh và ngại giao tiếp, cảm giác bị cô lập và muốn ở một mình, có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và tự sát.

Trốn tránh, ngại giao tiếp

Ở bệnh nhân suy nhược thần kinh, do bộ não mất cân bằng serotonin nên thường bị căng thẳng khi tiếp xúc với người khác, nhất là ở nơi đông người. Vì thế họ có xu hướng né tránh mọi người, tự cô lập và ở một mình. Từ đó dẫn tới tình trạng lo âu, trầm cảm.

Để cải thiện vấn đề này, cả bản thân người bệnh lẫn người xung quanh đều nên cùng cố gắng, hãy chia sẻ những vấn đề bạn gặp phải để giải tỏa và cùng giải quyết.

Hoảng loạn

Khi rối loạn lo âu kéo dài, suy nhược thần kinh nặng hơn, những cơn hoảng loạn sẽ xuất hiện. Người bệnh luôn tràn ngập cảm xúc sợ hãi, không thể kiểm soát tinh thần và bản thân. Khi gặp tình trạng này, đầu tiên hãy cố gắng kiểm soát hơi thở, thở chậm hơn, dài hơi hơn.

Một hơi thở dài sẽ giúp hệ thần kinh giao cảm được xoa dịu, từ đó bạn sẽ cảm thấy được thư giãn hơn.

Hệ lụy do suy nhược thần kinh gây ra

Nhận biết dấu hiệu suy nhược thần kinh sớm để chữa trị ngay là cách tốt nhất để ngăn ngừa ảnh hưởng xấu của nó đến tinh thần, sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Ngược lại, nó dễ gây ra hậu quả tâm lý nặng nề và làm tốn kém chi phí điều trị.

Thực tế cho thấy có không ít bệnh nhân khi có dấu hiệu suy nhược thần kinh lại chủ quan bỏ qua, không điều trị hoặc điều trị không đúng nên bệnh nặng hơn, khả năng lao động bị mất, rơi vào tình trạng trầm cảm lo âu. Nguy hiểm hơn là khi trầm cảm thì theo thời gian, triệu chứng của bệnh càng trở nên nặng nề, can thiệp không kịp thời hoặc không đúng hướng người bệnh có thể tự tử. Ngoài ra, người bệnh cũng dễ mắc các rối loạn ám ảnh khác nên tìm đến thuốc an thần, tìm đến rượu rồi nghiện và lệ thuộc vào chúng.

Theo VietnamDaily
back to top