Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã đưa ra cách nhận biết bệnh tăng huyết áp giúp chúng ta có biện pháp điều trị tránh những biến chứng xảy ra.
Nhức đầu:
Huyết áp cao làm cho áp lực dòng máu lên thành mạch tăng lên, thành mạch bị giãn dần ra và xuất hiện những tổn thương ở thành mạch. Khi xuất hiện ngày càng nhiều những tổn thương này ở các mạch máu nhỏ, đặc biệt là mạch máu tại não, gây ra hiện tượng đau đầu, đây có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng tai biến do tăng huyết áp
Chảy máu mũi:
Bệnh nhân tăng huyết áp sẽ có áp lực thành mạch máu cao hơn bình thường khiến cho mạch máu tổn thương, thậm chí là vỡ thành mạch các mạch máu nhỏ ở mũi gây chảy máu mũi nhiều và khó cầm. Điều đó khiến cho người bệnh tăng huyết áp bị chảy máu mũi thường xuyên.
Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc:
Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nhiều bệnh lý và biến chứng mạch máu, trong đó có tổn thương chảy máu mạch máu nhỏ võng mạc. Ngoài xuất huyết võng mạc, người bệnh tăng huyết áp còn dễ bị phù gai thị, chảy máu trong mắt gây ảnh hưởng tới thị lực.
Tê hoặc ngứa ran các chi:
Thường thì đây là dấu hiệu tăng huyết áp gây đột quỵ. Các trường hợp tăng huyết áp thường xuyên mà không được kiểm soát có thể dẫn đến tê liệt dây thần kinh trong cơ thể và gây ra hiện tượng chân tay có cảm giác tê hoặc ngứa râm ran.
Buồn nôn và nôn:
Dấu hiệu này rất dễ bị bỏ qua do dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, khi dấu hiệu này xuất hiện kèm theo hiện tượng khó thở, nhìn mờ thì có thể là đang bị tăng huyết áp.
Choáng và chóng mặt:
Người bệnh tăng huyết áp theo thời gian các mạch máu có thể suy yếu và giảm lưu lượng máu đến não và các mô quan trọng khác. Khi lượng oxy lên não ít hơn, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc bối rối. Chóng mặt cũng là một dấu hiệu của đột quỵ do cục máu đông trong não, một tình trạng chết người do tăng huyết áp không được điều trị
Đau tim:
Tăng huyết áp có thể làm cho tăng sức ép lên thành mạch, gây tổn thương tim và các mạch máu. Đây là yếu tố khiến xuất hiện cơn đau tim.
Ngoài ra huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Chúng ta cần hết sức cảnh giác với bệnh lý này vì không phải với ai các dấu hiệu nhận biết cũng biểu hiện rõ ràng. Nếu bạn là người có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh, hãy đi khám sớm để các bác sĩ tư vấn biện pháp kiểm soát chỉ số huyết áp của mình.
Để nhận biết chính xác, khi nghi ngờ có dấu hiệu tăng huyết áp, tốt nhất bạn nên đo huyết áp. Huyết áp tối thiểu được xác định là từ 90mmHg trở lên và huyết áp tối đa được xác định là từ 140mmHg trở lên.