Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp đột ngột - "sát thủ thầm lặng"

Huyết áp tăng cao bất ngờ có thể gây ra nhiều biến chứng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nếu không được phát hiện kịp thời và xử trí đúng cách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Trung bình ở Việt Nam, cứ 4 người thì có 1 người tăng huyết áp. Tuy nhiên, 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng và phát hiện thông qua việc khám sức khỏe hoặc khi bệnh đã có biến chứng. Hơn nữa, các dấu hiệu của tăng huyết áp không mang tính chất đặc hiệu và có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác.

Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp đột ngột - "sát thủ thầm lặng". Ảnh minh họa

Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp đột ngột - "sát thủ thầm lặng". Ảnh minh họa

Dấu hiệu cảnh báo tình trạng tăng huyết áp

Cao huyết áp là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh, tuy nhiên tăng huyết áp lại gần như không có dấu hiệu nhận biết. Chính vì vậy mà THA còn được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để nhận biết bạn có bị tăng huyết áp hay không đó là thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có người thân cũng mắc tăng huyết áp.

Nếu huyết áp tăng cao, có thể nhận thấy một số dấu hiệu sau:

Nhức đầu.

Chảy máu mũi.

Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc.

Tê hoặc ngứa ran các chi.

Buồn nôn và nôn.

Choáng và chóng mặt.

Đau tim.

Tuy nhiên, huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Theo Mayo Clinic, hầu hết những người bị huyết áp cao đều không có triệu chứng, ngay cả khi chỉ số huyết áp đạt mức cao nguy hiểm. Bạn có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Làm gì khi bị tăng huyết áp đột ngột?

Cách xử lý huyết áp tăng đột ngột đầu tiên là đặt bệnh nhân ngồi nghỉ hay nằm nghỉ. Nếu đang làm việc ngoài trời, đang đi ngoài đường, ở nơi đông người thì nhanh chóng đưa vào nơi có bóng râm, mát mẻ, thoáng khí, yên tĩnh và tránh kích động, tránh âm thanh, ánh sáng mạnh. Có thể cởi bớt nón mũ, quần áo để người bệnh được thoải mái hơn và sau đó tiến hành đo lặp lại huyết áp.

Nếu huyết áp tâm thu vẫn cao trên 140 mmHg nhưng dưới 160 mmHg, có thể giữ người bệnh theo dõi tại nhà, hạn chế đi lại, chủ yếu nghỉ ngơi. Bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc huyết áp trong ngày theo toa điều trị. Đồng thời, cần hạn chế ăn mặn, không hút thuốc lá, tránh lo âu... để huyết áp về ổn định. Nếu vẫn còn bất thường, nên đi tái khám sớm hơn ngày hẹn để bác sĩ điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Nếu huyết áp tâm thu cao trên 160 mmHg, cần sử dụng thuốc hạ áp có sẵn tại nhà đã được tham khảo bác sĩ từ trước. Đây là các loại thuốc khống chế huyết áp khởi đầu tác dụng nhanh, thời gian tác dụng ngắn và thường có dạng bào chế là viên ngậm hoặc nhỏ giọt dưới lưỡi. Trong thời gian này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường và đo lại huyết áp. Trong trường hợp huyết áp vẫn còn cao hoặc tại nhà không có thuốc kiểm soát huyết áp tức thời thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm.

Trong bất cứ tình huống nào bệnh nhân vừa có tăng huyết áp đột ngột và vừa có các triệu chứng nêu trên như yếu liệt, đau ngực, khó thở, nhìn mờ, chảy máu, lừ đừ, mê man thì cần đưa đến khoa cấp cứu của các bệnh viện gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Bệnh tăng huyết áp sẽ “tấn công” những ai?

Tuổi: Nguy cơ tăng huyết áp đi cùng với tuổi, đặc biệt ở người từ 45 tuổi trở lên

Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc tăng huyết áp tăng cao nếu trong gia đình bạn cũng có người bị tăng huyết áp

Thừa cân, béo phì: Cân nặng càng cao thì bạn cần nhiều máu hơn để cung cấp nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn cho các mô, cơ quan. Khi thể tích máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên, thì áp lực máu lên thành động mạch cũng tăng theo.

Lười vận động: Những người ít vận động thường có xu hướng nhịp tim cao hơn, khi nhịp tim càng cao, tim bạn phải hoạt động mạnh hơn, với mỗi cơn co thắt, lực tác động lên động mạch càng lớn khiến huyết áp cao hơn. Thiếu hoạt động thể chất cũng làm tăng nguy cơ thừa cân.

Hút thuốc lá: Việc hút thuốc không chỉ làm tăng huyết áp tạm thời mà những chất hoá học trong khói thuốc còn gây phá huỷ thành mạch, điều này khiến lòng động mạch bị thu hẹp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim của bạn.

Ăn nhiều muối: Quá nhiều muối trong khẩu phần ăn khiến cơ thể bạn tăng giữ nước, gây tăng huyết áp.

Thiếu Kali trong khẩu phần ăn: Kali giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể bạn, nếu không cung cấp đủ kali, bạn sẽ bị tích lũy quá nhiều natri trong máu.

Uống nhiều bia, rượu: Rượu bia gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim do huyết áp.

Stress: Căng thẳng nhiều cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp tạm thời.

Mắc các bệnh mạn tính: Một số bệnh mạn tính cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp như bệnh thận, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ, ...

Theo Đời sống
back to top