Thận được ví như nhà máy lọc và xử lý chất độc cho cơ thể. Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ các chất độc tồn đọng trong máu và giúp các chất trong hệ tuần hoàn ổn định về nồng độ.
Một khi thận suy yếu, khả năng thanh lọc và đào thải kém, thì chất độc tích tụ trong người, rối loạn điện giải, rối loạn toàn bộ hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp… thậm chí đe dọa sự sống của cơ thể.
Hiệp hội Thận học Quốc tế cho biết bệnh thận mạn đang là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, là nguyên nhân gây tử vong tăng nhanh thứ ba trên toàn cầu và là bệnh không lây nhiễm duy nhất có tỷ lệ tử vong điều chỉnh theo độ tuổi tăng liên tục.
Tại Việt Nam hiện có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Điều đáng lo ngại là tình trạng người bệnh suy thận mạn tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa..
Dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đã mắc bệnh thận, cần đi khám ngay. Ảnh minh họa |
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn có thể mắc bệnh thận, cần đi khám ngay:
Có cảm giác ớn lạnh
Nếu thấy tình trạng ớn lạnh có thể bạn đã mắc bệnh thận vì cơ thể thiếu máu có thể khiến cơ thể cảm thấy lúc nào cũng lạnh. Thậm chí đang ở trong phòng có nhiệt độ ấm.
Bất thường khi đi tiểu
Người bị rối loạn chức năng thận có thể sẽ phát hiện những thay đổi trong việc tiểu tiện như đi tiểu nhiều lần hơn, đặc biệt là tiểu nhiều lần về đêm.
Bạn cảm thấy căng tức hoặc khó khăn khi đi tiểu; lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn thông thường.
Màu sắc của nước tiểu có thể nhạt hoặc sậm màu hơn hẳn. Trong nước tiểu có bọt; đôi khi có lẫn máu trong nước tiểu.
Mệt mỏi, giảm trí nhớ, chóng mặt
Chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và khó tập trung.
Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, có thể gây suy nhược, mệt mỏi, giảm trí nhớ.
Phù mặt, tay chân
Chức năng thận giảm khiến không nó không thể bài tiết hết các chất thải. Chất lỏng dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù.
Sự tích tụ có thể biểu hiện rõ ở mặt. Người bệnh có thể phù mặt như béo tròn lên, hoặc sưng phù ở tay, chân, đặc biệt là cổ chân và bàn chân.
Thường xuyên mẩn ngứa
Do tích tụ chất thải trong máu nên da có thể bị kích thích dẫn đến tình trạng ngứa, thậm chí phát ban. Nếu thử dùng các loại kem dưỡng mà không thấy da được phục hồi thì bạn cần nghĩ ngay đến vấn đề xuất phát từ bên trong. Khi đó, bạn hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác nhất.
Hơi thở có mùi amoniac
Thận có chức năng loại bỏ các chất độc hại trong máu qua đường nước tiểu. Khi bệnh nhân bị suy thận, thận sẽ bị hư hỏng nên chúng không còn khả năng lọc các chất thải và hóa chất độc ra khỏi máu, tích tụ lâu ngày trong cơ thể, gây ảnh hưởng gần như tất cả các bộ phận của cơ thể. Hơi thở có mùi có thể xuất hiện khi bệnh suy thận làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Bị chuột rút
Mất cân bằng điện giải có thể do chức năng thận bị suy giảm. Nồng độ canxi thấp và phốtpho được kiểm soát kém có thể góp phần gây ra hiện tượng chuột rút cơ bắp.
Thường xuyên bị đau lưng hoặc đau vùng ngang thắt lưng
Thận có chức năng sàng lọc và đào thải tất cả các chất độc hại cũng như tạp chất ra ngoài cơ thể bằng đường nước tiểu. Khi chức năng thận suy giảm, sẽ làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể, gây ra tình trạng ứ dịch dẫn đến đau vùng hố thận hay đau mỏi ngang thắt lưng.
Biểu hiện thở nông, khó thở
Đó là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong hai lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy) sinh ra chứng thở nông.
Nước tiểu có nhiều bọt
Khi đi tiểu, bạn sẽ thấy nhiều bọt nước tiểu nổi lên như khi đánh trứng và bạn cần phải xả nước nhiều lần mới khiến chúng biến mất hoàn toàn. Đây là dấu hiệu bệnh thận bạn dễ nhận biết và cần lưu ý.
Gây mất khẩu vị, chán ăn
Một dấu hiệu bệnh thận rất chung chung và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác là tình trạng mất vị giác, chán ăn. Khi gặp phải tình trạng này có thể do thận đã bị suy giảm chức năng, gây ra tình trạng tích tụ độc tố trong cơ thể.