Theo các nghiên cứu của Đông Y, nếu coi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì đôi môi chính là cửa sổ sức khoẻ.
Đôi môi là bộ phận vô cùng nhạy cảm trên cơ thể, nhạy cảm hơn nhiều so với đầu ngón tay. Cũng bởi nó có hơn một triệu đầu dây thần kinh. Vì vậy, chỉ cần sức khỏe của con người bị suy giảm, bạn cũng có thể nhận thấy dễ dàng qua màu sắc và tình trạng của đôi môi.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo sức khỏe từ đôi môi, cần lưu ý:
Môi lở loét, nổi mụn
Những vết lở loét, mụn nhọt trên môi thường gây đau đớn và dẫn đến tình trạng chảy máu. Nguyên nhân gây ra có thể là do bạn đã bị nhiễm virus herpes, loại virus này dễ lây nhiễm do thói quen sử dụng chung một số đồ dùng cá nhân như son môi với người mắc bệnh.
Vậy nên, cần tránh để người khác sử dụng bất kỳ đồ dùng cá nhân nào của mình để phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Môi khô, nứt nẻ
Có thể bạn đang không cung cấp đủ vitamin cho cơ thể nên môi không đủ sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng, lo âu xảy ra thường xuyên cũng là nguyên nhân dẫn đến các vết nứt nẻ ở khóe môi.
Môi trắng nhợt nhạt
Khi môi của bạn nhợt nhạt, trắng bệch, thì cơ thể bạn đang thiếu máu hoặc mắc các bệnh liên quan về gan và thận. Chính vì thế, môi sẽ không thể có màu hồng hào như bình thường được. Các triệu chứng đi kèm thường là buồn ngủ, mệt mỏi, đau lưng và thậm chí giảm ham muốn tình dục.
Khi gặp tình trạng này, giải pháp khắc phục mà bạn cần thực hiện đó là tăng cường bổ sung thực phẩm dinh dưỡng cho cơ thể và đừng nghĩ đến giảm cân trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, tận dụng các phương pháp sử dụng phi dược (Không dùng thuốc) từ đông y như mát xa, bấm huyệt vùng đầu, mặt và chân để hỗ trợ việc bổ khí huyết.
Môi có màu đỏ thiên về đỏ sẫm, đỏ tím
Biểu hiện của môi như vậy cho thấy sức khoẻ bạn đang dư thừa nhiệt lượng, gọi đơn giản là nóng trong người.
Khi cơ thể thừa năng lượng sẽ khiến cho nhiệt toả ra bên trong nhiều hơn, môi sẽ đỏ đậm hơn, hoặc có thể thiên về đỏ tím. Kéo theo đó lưỡi của bạn cũng bị đỏ hồng hơn so với bình thường.
Dấu hiệu đi kèm: Đau răng, đau đầu, chóng mặt, táo bón, nước tiểu màu vàng sẫm và một số triệu chứng khác.
Khi gặp tình trạng này nên chú ý đến điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi, bổ sung trái cây giàu vitamin, rau củ, uống nhiều nước. Hạn chế ăn thức ăn chiên cay, ít hút thuốc và uống rượu.
Ăn thêm những thực phẩm giải nhiệt như cháo hạt sen, gan lợn, cháo đậu xanh,.... Bên cạnh đó ăn trái cây cũng cần lưu ý vì có những loại hoa quả thuộc tính nóng như vải, cam, dứa, nhãn, lựu, xoài.
Vùng da môi hình thành viền tròn màu đen
Đây là biểu hiện cho thấy cơ thể bạn đang bị triệu chứng thừa độ ẩm, không những thế nó còn biểu hiện việc thận, dạ dày, lá lách của bạn bắt đầu suy nhược. Những người có viền môi thế này thường chán ăn, tiêu hoá kém, vùng thân dưới nặng nề, có dấu hiệu phù nước, đi tiểu nhiều hơn ngày thường.
Nếu gặp triệu chứng này cố gắng tránh ăn các loại đồ ngọt, chiên rán, dầu mỡ, thức ăn có chất dính, thức ăn sống, vì những loại này thường làm cơ thể sản xuất nhiều độ ẩm hơn.
Sau bữa ăn không nên nằm xuống hoặc ngủ ngay, mà nên vận động nhẹ để thức ăn tiêu hoá một cách thuận lợi hơn.
Môi màu đỏ tươi (màu rất đỏ)
Ai cũng thích môi của mình đỏ, nhưng nếu quá đỏ mà kèm theo chút dấu hiệu sưng thì cũng không phải tốt đâu nhé vì đây chính là dấu hiệu của một số bệnh liên quan đến gan và lá lách.
Môi rất đỏ chứng tỏ rằng hơi thở của bạn rất nặng mùi để cải thiện tình trạng này bạn hãy bổ sung một số loại thực phẩm như mướp đắng, cần tây hay các loại trà như trà hoa cúc, trà thảo mộc... Ngoài ra đây còn là biểu hiện của sự mệt mỏi, ngủ không đủ giấc bạn hãy chú ý điều chỉnh giấc ngủ và giữ tâm trạng thoải mái.
Môi thâm đen thiên hướng tím tái, xỉn màu
Nếu đôi môi của bạn có màu thâm đen, có viền môi tối màu, điều này cảnh báo cơ thể của bạn đang mất cân bằng nội tiết tố nghiêm trọng. Kèm theo là chán ăn, tiêu hóa kém, đi tiểu nhiều lần trong ngày, tức ngực, hay thở dài, ngực thỉnh thoảng ngứa ran, xuất hiện những cơn ác mộng và các dấu hiệu khác.
Để khắc phục điều này, nên bổ sung vitamin D cùng với việc ăn những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, như cà rốt, diếp cá,... có thể giúp bạn bổ sung lượng estrogen đã mất.
Cũng cần tránh những loại thực phẩm chiên, rán, có hàm lượng đường nhân tạo cao,... chúng sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
Môi có đốm đen
Đốm đen là những nốt có màu đỏ sẫm đến đen, giống như mụn cóc nổi trên môi. Đốm đen trên môi phần lớn đến từ chứng tăng sắc tố da – bệnh này không chỉ gây đốm đen trên môi mà còn ở cả má, mũi và trán.
Ngoài ra, khi da bị cháy nắng hoặc cơ thể dư thừa một lượng lớn sắt trong chế độ ăn hàng ngày cũng là nguyên nhân hình thành những nốt đốm xấu xí này. Khi tình trạng này xuất hiện trên môi, hãy đi khám sớm vì chúng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da.
Có vòng đỏ quanh môi
Nhiều người khi cảm thấy môi mình đã bị khô thì thường có thói quen liếm môi. Thế nhưng vô tình thói quen này lại làm mất đi lớp dầu tự nhiên ở vùng da quanh môi, khiến vùng da này bị đỏ và ngứa. Đây là những dấu hiệu ban đầu của tình trạng viêm da quanh miệng do liếm môi nhiều.