Suýt mất chi vì tưởng đau xương khớp tuổi già
Ông Phạm Văn K., 86 tuổi (Quảng Ninh) nhập viện do tê yếu 2 chân. Trước đó ông có thỉnh thoảng thấy tê chân, xuất hiện vài vết như gân nổi trên da nhưng cũng không đi khám hay điều trị gì. Chỉ đến khi có biểu hiện tê yếu 2 chân, các đầu ngón chân tím và lạnh, chân phải mất vận động ông mới vội vàng tới viện để kiểm tra. Kết quả chẩn đoán ông bị tắc động mạch chi dưới 2 chân trên nền bệnh suy tim rung nhĩ và được chỉ định lấy huyết khối điều trị tắc mạch.
BSCKI Nguyễn Đức Hoành,Trưởng khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, trước đó người bệnh đã có những dấu hiệu của viêm tắc động mạch chi dưới nhưng do không được điều trị dẫn đến biến chứng có thể mất chức năng vận động vĩnh viễn. Rất may người bệnh đã được các bác sĩ phẫu thuật lấy bỏ huyết khối kịp thời và sau phẫu thuật 2 chân đã có có cảm giác tốt, đầu chi hồng hào và đã có thể vận động.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Tim mạch quốc gia cho biết, tắc động mạch chi thuộc về bệnh tim mạch nhưng hay bị chẩn đoán nhầm. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là cảm giác chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân xuất hiện khi đi bộ, trèo cầu thang hoặc khi gắng sức. Triệu chứng này đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi dù chỉ vài phút. Cơ chế gây đau là khi cơ hoạt động, chúng cần được cấp máu nhiều hơn, nhưng do lòng mạch bị hẹp tắc bởi mảng xơ vữa, cơ bị thiếu máu nên đau. Khi nghỉ ngơi, nhu cầu oxy giảm xuống nên triệu chứng đau cũng giảm và hết. Hiện tượng đó gọi là đau cách hồi.
Đau chân do bệnh tắc động thường xuất hiện ở cơ (như cơ bắp chân) chứ không phải ở khớp.Với những bệnh nhân bị tiểu đường thì triệu chứng này có thể bị che lấp bởi cảm giác đau, tê bì ở bàn chân hoặc đùi do biến chứng thần kinh. Khi có các triệu chứng: Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi; Vết thương ở ngón chân hay bàn chân khó lành; Hoại tử bàn chân, ngón chân; Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên... là bệnh đã nặng.
Khó điều trị, dễ biến chứng tử vong
Các chuyên gia cho biết, khi bệnh nhân đau bàn, ngón chân liên tục, xuất huyết loét và hoại tử các ngón chân là bệnh đã ở giai đoạn nặng. Toàn trạng bệnh nhân suy sụp nếu bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng. Việc điều trị rất khó khăn. Nội khoa dùng các thuốc giãn động mạch ngoại vi. Phẫu thuật cắt bỏ mạng lưới thần kinh giao cảm quanh động mạch, nối ghép mạch máu hoặc can thiệp nội mạch để nong rộng và đặt khung giá đỡ kim loại (stent) đoạn động mạch bị hẹp. Phẫu thuật cắt cụt chi bị viêm tắc động mạch là biện pháp cuối cùng, khi không thể cứu vãn chi thể, tình trạng hoại tử chi phát triển làm cho bệnh nhân đau đớn và suy sụp nặng.
BSCKI Nguyễn Đức Hoành cho biết, người dễ mắc bệnh động mạch chi dưới nếu có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì…Vì vậy, đối tượng có nguy cơ nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên thì nên đi khám để điều trị sớm. Người dân nếu xuất hiện các dấu hiệu: Đau tức chân nhiều, cảm giác đau tức tăng khi vận động, tím lạnh 2 chi dưới, nổi phổng nước, mất vận động… cần đến các cơ sở chuyên sâu về mạch máu đề khám và điều trị. Không nên bỏ qua các triệu chứng hay tự điều trị tại nhà sẽ gây ra một số biến chứng như là huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối động mạch phổi, nhồi máu não…gây khó khăn cho điều trị hoặc nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cách phòng bệnh là loại bỏ các yếu tố kích thích gây có thắt mạch máu như lạnh, ẩm. Không hút thuốc. Tránh tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm, sinh lý. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất và vitamin.