Dấu ấn trả lời chất vấn của các Bộ trưởng: Đang soạn thảo, báo cáo sau, tiếp tục hoàn thiện…

4 Bộ trưởng đã "hẹn" hoàn thành khá nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn lần này. Vậy thì các bộ trưởng đã "hẹn" gì?

Kỳ họp lần này, Quốc hội đã chất vấn 4 Bộ trưởng: Nguyễn Thanh Long, Đào Ngọc Dung, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Chí Dũng. Có 4 nhóm vấn đề: Y tế; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.

Bộ Y tế: Mất bò mới lo làm chuồng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là người đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn các vấn đề về vi phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, các vụ vi phạm xảy ra các bệnh viện lớn đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Hay việc quản lý bệnh viện công chuyển sang tự chủ thì trách nhiệm thuộc về ai?

bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long.png
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, về vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý, cũng như trách nhiệm trong một số vụ việc vi phạm của cán bộ y tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Do cơ chế, hướng dẫn, nhưng cũng do những vi phạm mang tính cá nhân.

Theo ông Long, mặc dù quy định đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có vi phạm liên quan tới đầu thầu, tham ô, tham nhũng. Những điều này Bộ Y tế lên án và các cơ quan chức năng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các bệnh viện công lập nếu tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp, và phải kiểm toán hàng năm. Kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập phải làm việc này.

“Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa, hay đến khi mất bò mới lo làm chuồng? Vấn đề hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ là một chuyện, còn vấn đề nữa là chế độ kế toán và kiểm toán với các đơn vị” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Bộ LĐTB&XH: Tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ phụ nữ

Với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, có 32 đại biểu đăng ký chất vấn, 1 ý kiến tranh luận. Tập trung vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, người lao động, người sử dụng lao động rất quan tâm.

Trong đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) quan tâm đến giải pháp của Bộ về việc hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, vấn đề bất bình đẳng giới gia tăng do tác động của dịch Covid-19.

bo-truong-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-dao-ngoc-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đại dịch Covid-19 cho thấy, phụ nữ và trẻ em là 2 đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Vì thế, Nghị quyết 68 đã có những nội dung hỗ trợ đối tượng là phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ lao động nữ trong việc vay vốn sản xuất, hỗ trợ trong chương trình bình đẳng giới, phát triển và bảo đảm tiếp cận các quyền và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thực hiện – Bộ trưởng Dung cho biết.

Tức là, chính sách hỗ trợ lao động nữ đã có và đang tiếp tục được nghiên cứu để ban hành – theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Bộ GD&ĐT: Sẽ chống văn mẫu, tiếp tục hoàn thiện quy trình

Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và hàng chục triệu học sinh, phụ huynh học sinh trong toàn quốc.

Đại biểu Nàng Xô Vi đặt câu hỏi về việc giải pháp của Bộ GD&ĐT trong việc chấm dứt tình trạng chép văn mẫu.

bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-nguyen-kim-son.jpeg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong các cuộc họp của Bộ GT&ĐT, Bộ trưởng đã nêu cần chấm dứt dạy theo văn mẫu. Vì việc giáo viên dùng văn mẫu, đọc cho học sinh chép rất tai hại trong việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, những tình cảm chân thực, chân thành của học sinh.

"Ngành sẽ có hàng loạt các biện pháp sắp tới để chấm dứt văn mẫu. Song song với đó, việc tổ chức dạy và học, kiểm tra đánh giá, biên soạn học liệu… phải thực hiện mới triển khai được" - Bộ trưởng nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nhiều sách giáo khoa thiếu tính thuyết phục, dư luận có ý kiến.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, Bộ cũng nhận thấy có nhiều luồng ý kiến của dư luận về chất lượng sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 6.

Hội đồng chuyên môn làm sách giáo khoa đã tiến hành thảo luận với tác giả và điều chỉnh trước khi sách được in và đến tay học sinh. Bộ cũng đang điều chỉnh để quy trình làm sách giáo khoa để hoàn thiện hơn.

Bộ KH&ĐT: Sẽ nghiên cứu, báo cáo

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng là một trong những người dày dạn kinh nghiệm chất vấn, khi đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 6, 10.

Có ý kiến đại biểu chất vấn về vấn đề, người nước ngoài núp bóng người Việt để mua đất khu vực nhạy cảm như biên giới, ven biển. Thậm chí đại biểu Quốc hội còn nêu số liệu người nước ngoài đã mua núp bóng tới 162.000 ha đất…

bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nguyen-chi-dung.jpeg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Trả lời về chất vấn này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ chưa có điều kiện nắm rõ chính xác tình hình thực tế tại địa phương ra sao.

“Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao, cho phép chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu, báo cáo lại Chính phủ, Quốc hội sau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Vấn đề nóng mà đại biểu chất vấn về tỉ lệ giải ngân rất thấp, nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Trung ương hay địa phương?

Bộ trưởng Dũng đã quyết đoán trả lời: “Bây giờ đổ cho pháp luật là chưa đúng. Tôi khẳng định hiện nay pháp luật không có vấn đề. Sắp tới, còn vấn đề gì thì chúng tôi sẽ rà soát để sửa trong tháng 12”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, "Cùng thể chế này tại sao năm 2020 giải ngân được 98%, năm ngoái cũng Covid-19 đấy, lo nhiều việc lớn đấy, tại sao vẫn giải ngân được lớn thế"

"16.000 tỷ đồng chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được đồng nào, 56.000 tỷ đồng của địa phương chưa phân bổ được đồng nào. Nếu không làm rõ được thì có chất vấn xong, có nghị quyết rồi tình hình vẫn vậy" - Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trách nhiệm nằm đâu phả làm cho rõ, giải quyết thế nào chứ không thể nói chung chung vướng mắc gì.

Chúng ta không thể để kéo dài, trong khi nền kinh tế thiếu vốn, đại biểu còn muốn gói nọ kia, nới bội chi, tăng trần nợ công. Giờ toàn bộ tiền có không tiêu được" 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Theo Đời sống
back to top