Thâu tóm “đất vàng”
Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (BTH) có trụ sở chính tại số 55, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tiền thân là Nhà máy Chế tạo biến thế thuộc Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) được thành lập từ năm 1963.
Đây là Nhà máy đầu tiên của Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ tự thiết kế, chế tạo máy biến áp điện lực để phục vụ cho nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình phát triển, Nhà máy Chế tạo biến thế được tách ra thành lập các nhà máy khác.
Theo đó, Phân xưởng vật liệu cách điện của Nhà máy chế tạo biến thế được tách ra để thành lập Nhà máy vật liệu cách điện. Đến năm 2003, Nhà máy vật liệu cách điện được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Thiết bị điện Hà Nội.
Ngoài ra, năm 1994 Nhà máy Chế tạo biến thế đã liên doanh với Tập đoàn ABB - Tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực thiết bị điện để thành lập Công ty liên doanh Chế tạo biến thế - ABB. Tuy nhiên, đến tháng 5/2002 Nhà máy chế tạo biến thế đã tách khỏi liên doanh.
Tháng 3/2005, thực hiện chủ trương của Nhà nước, Nhà máy chế tạo biến thế đã thực hiện cổ phần hóa và lấy tên là Công ty CP Chế tạo biến thế Hà Nội.
Đến tháng 9/2005, Công ty CP thiết bị điện Hà Nội và Công ty CP Chế tạo biến thế Hà Nội đã chính thức hợp nhất thành lập Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội như ngày nay.
Diễn biến đáng chú ý, vào tháng 11/2014, Gelex đã thực hiện chủ trương thoái toàn bộ 49,49% cổ phần tại BTH. Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành (Công ty Hoàng Thành) chính là đơn vị mua toàn bộ số cổ phần Gelex thoái, với tổng mức đầu tư 16,3 tỷ đồng (9.400đ/CP).
Nhằm tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng, tháng 1/2018, Công ty BTH đã tiếp tục thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, với số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán là 21.500.000 (cổ phiếu, với giá chào bán 10.000đ/cổ phần.
Kết quả cho thấy toàn bộ số cổ phiếu phát hành đã được bán cho 03 nhà đầu tư. Trong đó Công ty Hoàng Thành tiếp tục mua để nâng tổng số lượng cổ phiếu sở hữu sau đợt chào bán lên 16.250.000 cổ phiếu, tương đương sở hữu 65%; ông Nguyễn Hoa Cương mua tổng số 1.261.300 cổ phiếu để sở hữu 5,05%, ông Hoàng Ngọc Kiên được phân phối 5.732.091 cổ phiếu để sở hữu 22,93%... vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
Đây cũng chính là các nhà đầu tư mà Công ty BTH đã lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược từ trước.
BTH là doanh nghiệp chế tạo, kinh doanh máy biến thế, nhưng kết quả kinh doanh cho thấy đã thua lỗ nhiều năm. Tuy nhiên, lợi thế rất lớn của BTH là đang tọa lạc trên mảnh “đất vàng” 1,4ha tại số 55 đường K2, phường Cầu Diễn, TP Hà Nội.
Khu vực này cũng đang được BTH gấp rút thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh, có tên gọi thương mại là “Hoàng Thành Pearl’s”. Có lẽ bởi vậy mà Hoàng Thành đã kiên trì và phải mất nhiều năm mới hoàn thành việc “thâu tóm” xong BTH, thông qua bước thoái vốn quan trọng của Gelex.
Khu đất tại 55 đường K2, phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm của CTCP chế tạo biến thế và vật liệu điện HN sẽ trở thành dự án BĐS với tên gọi "Hoàng Thành Pearl's" |
Giao dịch thân tình
Công ty Hoàng Thành thành lập từ năm 2004, đây là doanh nghiệp phát triển bất động sản có tiếng tại Hà Nội, với việc nhiều dự án như: Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế, dự án Mulberryland, hay ParkCity...
Đặc biệt, đáng chú ý những mối quan hệ cá nhân đan xen, thân tình giữa các cổ đông của Gelex, BTH và Hoàng Thành.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc hiện làm Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành, Chủ tịch HĐQT BTH, nhưng cũng đồng thời là Thành viên HĐQT Gelex.
Các ông Hoàng Ngọc Kiên và Hoàng Ngọc Quân lần lượt sở hữu 22,93% và 5,16% vốn tại BTH nhưng đều là con trai của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Còn ông Nguyễn Hoa Cương là nguyên Chủ tịch HĐQT Gelex, người đã thực hiện thương vụ chuyển nhượng cổ phần BTH của Gelex cho Hoàng Thành Group vào năm 2014.
Cập nhật đăng ký của BTH tới ngày 15/1/2020, Công ty Hoàng Thành sở hữu 65% vốn BTH và đóng vai trò là công ty mẹ, ông Nguyễn Hoa Cương sở hữu 5,05% vốn BTH, ông Hoàng Ngọc Kiên sở hữu 22,93% vốn BTH và ông Hoàng Ngọc Quân sở hữu 5,16% vốn BTH.
Như vậy, tổng cộng 4 cổ đông này đã nắm tới 98,14% vốn tại BTH. Với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối, nhóm cổ đông này đang nắm giữ hoàn toàn việc chi phối BTH, trong đó có việc triển khai dự án “Hoàng Thành Pearl’s”.
Được biết, tại dự án này, ngoài công trình hỗn hợp cao tới 30 tầng, còn có các công trình nhà ở thấp tầng được đầu tư xây dựng dưới dạng nhà ở liền kề và nhà phố thương mại. Dự kiến dự án sẽ được triển khai từ quý 4/2019 đến quý 1/2022.
Tổng mức đầu tư dự án này khoảng trên 1.100 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 221,54 tỷ đồng (chiếm 20%), còn lại là vốn huy động hợp pháp khác 886,17 tỷ đồng (chiếm 80%).
Để được triển khai dự án rộng tới hơn 1,4ha, doanh nghiệp này phải chi ra 192 tỷ đồng nộp tiền sử dụng đất, tính ra chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, ẩn sau những giao dịch công khai giữa Gelex với BTH và Hoàng Thành là những mối quan hệ cá nhân thân tình để rồi vốn nhà nước được thoái cho tư nhân. Sau đó, dự án “Hoàng Thành Pearl’s” được hình thành trên nền đất nhà xưởng doanh nghiệp cũ.
Việc doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận thông qua các hoạt động đầu tư là hoạt động bình thường nếu tuân thủ đúng theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là dự án thực hiện theo chủ trương di dời nhà xưởng ra khỏi nội đô, mà trước đây cũng không ít dự án dạng này trong quá trình thực hiện đã để xảy ra sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước mà cơ quan chức năng đã phát hiện và công bố.