PVC “sang tay” cho Hợp Thành
Mới đây (ngày 8/4), Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Đây là lần thứ 2 Thanh tra Chính phủ “chạm” đến dự án này. Trước đó, năm 2012 Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 124/KL-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2006-2010. Trong đó, có những nội dung liên quan đến lô đất 69 Nguyễn Du.
Tuy nhiên, thời gian và nội dung thanh tra được quy định, đồng thời tại thời điểm đó Công an TP Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra việc mua, bán căn nhà 69 Nguyễn Du, nên Thanh tra Chính phủ không đi sâu xác minh về thương vụ này.
Tìm hiểu cho thấy, ngày 06/10/2008 - thời điểm còn giữ chức Phó Thủ tướng, ông Hoàng Trung Hải đã ký thay Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản 1665/TTg-KTN về việc “xử lý cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội”. Việc ký này là trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 10564/BTC-QLCS ngày 09/9/2008.
Theo đó, cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty, phù hợp với quy hoạch thành phố Hà Nội như đề nghị của Bộ Tài chính.
Chưa đầy 01 năm sau, đến ngày 21/5/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tiếp tục ký thay Thủ tướng Văn bản số 762/TTg-KTN về việc thực hiện Văn bản số 1665/TTg-KTN xử lý cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi căn biệt thự chuyên dùng tại địa chỉ 69 Nguyễn Du, diện tích 569,7m2, để giao cho PVC cải tạo làm trụ sở với thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được phép của TP Hà Nội.
PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi "Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du", có diện tích đất 596,7m2, diện tích xây dựng công trình 406,2m2, quy mô 8 tầng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 130 tỷ đồng, trong đó 45% vốn tự có, còn lại vay tín dụng thương mại.
Về hiệu quả đầu tư, PVC cho biết dự án sẽ mang lại lợi nhuận bình quân 10,9 tỷ đồng/năm, thời gian hoàn vốn là 9 năm. Thời gian thi công xây lắp toàn bộ công trình từ 15 - 18 tháng, dự kiến khởi công đầu năm 2009.
Tuy nhiên đến cuối năm 2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành) với giá 95,9 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm đó, Hợp Thành mua biệt thự chuyên dùng số 69 Nguyễn Du với giá khoảng 168 triệu đồng/m2 x 596,7m2.
"Đất vàng" 69 Nguyễn Du đã được chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành. (Ảnh: internet). |
Hợp Thành trong cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn
Ngoài việc nhận chuyển nhượng khu đất 69 Nguyễn Du, Công ty Hợp Thành còn liên quan đến sai phạm lớn trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn mà Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vào hồi tháng 9/2018.
Cụ thể, theo Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng phê duyệt, thì Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ tại 09 doanh nghiệp. Trong đó có Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines thoái vốn hoàn toàn tại Cảng Quy Nhơn. Sau đó, Công ty Hợp Thành - dù thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển - đã được chọn là nhà đầu tư chiến lược của Cảng Quy Nhơn.
Ngày 04/4/2013, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, trong đó Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ. Sau đó, ngày 07/3/2014, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn, trái với đề án cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán. Ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại cho phép Vinalines bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Toàn bộ cổ phần chuyển nhượng (75,01%) đều “về tay” Công ty Hợp Thành.
Trong đó, Bộ GTVT đã ban hành 02 văn bản. Văn bản 16937/BGTVT-QLNN ngày 27/12/2014 về việc chuyển nhượng 26,01% cổ phần và Văn bản 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải hủy bỏ cả 02 văn bản này, 75%,01 cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước.
Tìm hiểu cho thấy, Công ty Hợp Thành được thành lập vào tháng 05/2007, đặt trụ sở chính tại số 57 phố Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Công ty Hợp Thành do 03 cổ đông sáng lập, là các ông Lê Mạnh Sơn, Lê Hồng Thái và bà Phạm Thị Ngân. Trong đó, ông Lê Hồng Thái đăng ký góp tới 297 tỷ đồng để sở hữu 45% cổ phần, tiếp đến là bà Phạm Thị Ngân đăng ký góp 237,6 tỷ đồng, sở hữu 36% cổ phần và ông Lê Mạnh Sơn đăng ký góp 125,4 tỷ đồng để sở hữu 19% cổ phần.
Dù sở hữu số cổ phần lớn nhất (45%) tại Công ty Hợp Thành, tuy nhiên đăng ký thay đổi đến ngày 30/03/2017 ông Lê Hồng Thái đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên. Đây chính là thời điểm sau khi UBKTTW kiến nghị thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn (cuối tháng 2/2017).
Lưu ý rằng, cả 3 cổ đông sáng lập lên Công ty Hợp Thành là ông Lê Mạnh Sơn, Lê Hồng Thái và bà Phạm Thị Ngân đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 20, ngõ 45, đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tại “thương vụ” PVC chuyển nhượng quyền sử dụng đất căn biệt thự số 69 Nguyễn Du cho Công ty Hợp Thành vào cuối năm 2009 nên biết rằng ông Lê Hồng Thái cổ đông lớn nhất của Hợp Thành (trước tháng 3/2017) cũng đã được bổ nhiệm làm Ủy viên HĐQT PVC từ ngày 14/10/2014.