Mạch máu tắc hẹp: Đặt stent hay chỉ uống thuốc?
Trong đợt khám định kỳ mới nhất tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, ông X. được chẩn đoán tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, cơn đau thắt ngực, rối loạn chuyển hóa lipoprotein và tình trạng tăng lipid máu khác.
Theo BSCKII Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, với những chẩn đoán xơ vữa vôi hóa gây hẹp, bệnh nhân nên can thiệp đặt stent hoặc mổ bắt cầu qua chỗ hẹp. |
Ngoài ra, các bác sĩ phát hiện 3 vị trí xơ vữa vôi hóa gây hẹp đến 70 - 80%: liên thất trước, động mạch mũ, đoạn xa của động mạch vành phải.
Ông X. cho biết, ban đầu, bác sĩ điều trị thông báo phải chuẩn bị khoảng 60 triệu đồng để nhập viện điều trị can thiệp mạch vành bằng stent. Tuy nhiên, sau khi có đầy đủ kết quả xét nghiệm, bác sĩ lại báo, có lẽ phải đặt đến 3 stent và chi phí mà gia đình phải chuẩn bị lên đến 100 triệu đồng.
Ông đã gửi thắc mắc về Ban Báo in KH&ĐS, Báo Tri thức và Cuộc sống, về chi phí điều trị can thiệp mạch vành.
Theo BSCKII Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, hiện nay, bệnh nhân mới được chỉ định chụp CTscan mạch máu. Qua kết quả này, các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ ràng bệnh nhân có 3 vị trí mạch máu cần can thiệp do mạch máu đều hẹp 70 - 80%.
Kỹ thuật đặt stent can thiệp mạch vành là kỹ thuật cao chi phí lớn. BHYT sẽ thanh toán cho bệnh nhân tối đa 45 tháng lương cơ bản cho stent đầu tiên và 18 triệu đồng cho stent thứ hai. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, đây là những hình ảnh tĩnh, nên bệnh nhân cần được chụp can thiệp mạch vành số hóa xóa nền DSA (Digital Subtraction Angiography), để biết chính xác số stent cần đặt là bao nhiêu. Đây là kỹ thuật để đánh giá tình trạng mạch máu, phát hiện sớm các bất thường của mạch máu và sự lưu thông của dòng máu, chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý có liên quan đến xơ vữa mạch máu. Phương pháp này là ít can thiệp xâm lấn và có thể thực hiện một lần, vừa chụp mạch máu vừa tiến hành can thiệp đặt stent luôn.
Với kỹ thuật này, bác sĩ mới quan sát và đánh giá chính xác vị trí hẹp bao nhiêu phần trăm, dòng máu chảy qua chỗ hẹp như thế nào, cần can thiệp chỗ tắc hẹp nào, đặt bao nhiêu stent, stent loại nào tốt nhất... Có một số trường hợp, dù mạch máu bị tắc hẹp nhưng dòng máu vẫn chảy qua tốt và không cần đặt stent.
Tại các bệnh viện, người ta sẽ vừa chụp DSA vừa đặt stent luôn vì các bác sĩ vẫn phải đưa bệnh nhân vào phòng mổ, gây mê, luồn ống chụp vào động mạch vành, vừa khảo sát mạch máu vừa tiến hành đặt stent…
Theo BSCKII Trương Quang Anh Vũ, chi phí điều trị phụ thuộc vào bệnh nhân sẽ phải đặt bao nhiêu stent, mỗi loại stent có kích thước khác nhau, stent có phủ thuốc hay không… sẽ có giá tiền khác nhau.
Đặt stent can thiệp mạch vành là kỹ thuật cao chi phí lớn. Với mã thẻ BHYT của bệnh nhân, BHYT sẽ chi trả 95% và bệnh nhân sẽ đồng chi trả 5%. Theo thông tư 04/2017/TT-BYT và công văn 1661 năm 2018 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bệnh nhân được BHYT thanh toán tối đa 45 tháng lương cơ bản, được 67 triệu đồng. Ngoài ra, stent thứ hai, BHYT sẽ hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân thêm 18 triệu đồng. Còn lại, bắt đầu từ stent thứ ba trở đi, người bệnh sẽ phải chi trả 100%.
Bệnh tắc hẹp động mạch vành
Stent là một ống nhỏ giúp nong rộng các mạch máu tắc hẹp để đảm bảo dòng máu có thể lưu thông dễ dàng từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả cơ tim.
Hầu hết các stent được làm bằng lưới thép và có hiệu lực vĩnh viễn, thường được sử dụng cho các động mạch lớn hơn. Một số loại stent khác được làm bằng vật liệu hòa tan và cơ thể chúng ta sẽ hấp thụ theo thời gian. Chúng được phủ thuốc và từ từ giải phóng vào động mạch để ngăn các mảng bám xơ vữa khiến bị động mạch bị tắc nghẽn trở lại.
Stent là một ống nhỏ giúp nong rộng các mạch máu tắc hẹp để đảm bảo dòng máu có thể lưu thông dễ dàng từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả cơ tim. |
Xơ vữa động mạch là do các cholesterol (chất béo) hình thành, tích tụ và bám vào bên trong thành mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến tim. Các bệnh mạch vành có thể gây ra đau ngực hoặc các mảng bám hình thành các cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu đến tim, có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ.
Khi đã có những chẩn đoán như bệnh nhân nói trên, bệnh nhân nên điều trị. Ngoài phương pháp can thiệp đặt stent nong chỗ hẹp, bệnh nhân có thể được phẫu thuật mổ bắc cầu, làm cầu nối qua chỗ hẹp của động mạch vành.
Các bác sĩ sẽ dùng những mạch máu tự nhiên của người bệnh như đoạn tĩnh mạch hiển ở đùi hay động mạch vú trong để làm cầu nối. Phẫu thuật cầu nối chi phí có thể rẻ hơn đặt stent. Tuy nhiên đây là đại phẫu nên tỷ lệ biến cố có thể sẽ cao hơn so với phương pháp can thiệp đặt stent.
Tùy trường hợp nguy cơ, bác sĩ trực tiếp điều trị sẽ có những chỉ định. Trong những trường hợp hẹp cả 3 nhánh như thế này, để tiết kiệm, bệnh nhân cũng có thể được thực hiện mổ bắc cầu. Bệnh nhân và người nhà có thể trao đổi với bác sĩ điều trị, ưu tiên can thiệp chỗ hẹp nhất, ảnh hưởng đến lưu lượng máu nhiều nhất.
Đặt stent hay không đặt stent, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc điều trị, vừa ức chế beta vừa chống tập tiểu cầu, để chống hình thành các cục máu đông. Ngoài ra, khi can thiệp cùng một lúc, bệnh nhân sẽ hạn chế nhiều rủi ro hơn là chia làm nhiều lần để can thiệp.
Hiện nay, theo các phương tiện điều trị hiện đại, các bác sĩ phẫu thuật tim mạch như Bệnh viện Thống Nhất TPHCM có thể thực hiện thành công những ca mổ bắc cầu trên bệnh nhân hơn 90 tuổi.