Đặt stent chuyển dòng điều trị túi phình lớn động mạch não

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa điều trị thành công một ca túi phình lớn động mạch cảnh trong trái bằng can thiệp nội mạch đặt stent chuyển dòng.

BSCK1 Nguyễn Minh Đức, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, bệnh nhân nữ, N.T.M.Tr (55 tuổi) có triệu chứng đau nửa đầu bên trái nhiều tháng nay, thường xuyên phải dùng thuốc giảm đau paracetamol.

bn-hoi-phuc-sau-dieu-tri-tui-phinh.jpg
Sau can thiệp bằng stent chuyển dòng, bệnh nhân tỉnh táo, giảm hẳn cơn đau nửa đầu bên trái. Sau 3 ngày theo dõi, bệnh nhân được xuất viện.

1 tuần trước nhập viện, bệnh nhân bị đau đầu tăng lên nhiều hơn, đau đầu theo nhịp mạch, uống thuốc không giảm như trước đây. Bệnh nhân đi khám, và được chụp phim MRI sọ não. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị 1 túi phình lớn của động mạch cảnh trong bên trái.

Đáng lưu ý, em gái ruột của bệnh nhân cũng vừa được phẫu thuật túi phình mạch máu não cách đây 9 tháng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh đã chỉ định chụp can thiệp nội mạch DSA mạch máu não để khảo sát rõ hình thái của túi phình.

Trên phim DSA mạch máu não, ghi nhận 1 túi phình của động mạch cảnh trong bên trái, kích thước 12x13mm, cổ rộng 6mm. Bệnh nhân được lựa chọn phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent chuyển dòng.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, giảm hẳn cơn đau nửa đầu bên trái. Sau 3 ngày theo dõi, bệnh nhân được xuất viện.

TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, cho biết: “Túi phình mạch máu não chiếm 6% trong dân số. Túi phình có nhiều hình thái khác nhau nên sẽ có nhiều lựa chọn phương thức điều trị cho từng túi phình phù hợp.

Những năm gần đây, bên cạnh phương thức điều trị truyền thống là phẫu thuật kẹp túi phình, nhiều cách điều trị ít xâm lấn để giải quyết các túi phình có hình thái và vị trí phức tạp.”

Stent chuyển dòng là phương thức tối ưu để điều trị các túi phình khó, chưa vỡ.

Stent chuyển dòng là stent làm thay đổi hướng dòng chảy, thay vì dòng chảy mạch máu vào túi phình, stent sẽ che túi phình lại, đảo hướng dòng chảy mạch máu sang mạch máu lành.

Theo TS.BS Phạm Anh Tuấn, những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, đau đầu kéo dài; đặc biệt những người có trực hệ gần gũi với bệnh nhân bị túi phình như cha mẹ, anh chị em ruột,… cần được tầm soát và phát hiện túi phình sớm.

Khám tầm soát túi phình mạch máu não có thể thực hiện mỗi năm một lần khi đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Điều trị sớm túi phình trước khi vỡ tăng thêm 33% cơ hội sống sót cho bệnh nhân tử vong trước nhập viện và hạn chế để lại di chứng cho xã hội.

Theo Đời sống
back to top