Theo các chuyên gia, nếu không có các biện pháp mạnh tay ngăn chặn tình trạng bắt giun đất bằng kích điện, chỉ trong vài năm tới, nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ biến thành đất hoang, chỉ còn lại đá, sỏi.
Kích điện bắt giun. |
Tái diễn bắt giun bằng kích điện
Mấy năm gần đây, tình trạng bắt giun bằng kích điện nở rộ ở nhiều địa phương như Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La… Đến nay, dù Bộ NN&PTNT nghiêm cấm đánh bắt giun, thế nhưng tại một số địa phương tình trạng tận diệt giun đất không những không giảm mà còn gia tăng, rầm rộ hơn.Lý do bởi lợi nhuận của người dân quá lớn. Chỉ với một chiếc máy phát xung điện cao thế cùng một chiếc xô nhựa, kiếm tiền triệu mỗi ngày đối là việc không khó. Chỉ cần cắm 2 chiếc tuôc nơ vit nối với dây điện xuống đất sau đó kẹp máy phát xung điện vào ắc quy và bật công tắc. Sau vài tiếng rít chói tai, lập tức đủ mọi loại giun đều phải ngoi lên từ trong lòng đất.
Thiết bị đánh bắt này được người dân mua từ Trung Quốc, giun bắt được cũng bán cho các thương lái Trung Quốc. Giun sau khi mổ sạch nội tạng, sấy khô, người dân bán được với giá khoảng 600.000đ/kg. Tình trạng đánh bắt giun đang tái diễn ở một số địa phương như Hòa Bình, Thái Bình… Với tình trạng kích giun tràn lan như hiện nay, chẳng ai nói trước được khi nào những thửa đất này sẽ trở nên bạc màu, không thể canh tác.
Theo GS Đỗ Kim Chung, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đây là hành động “tàn sát” thiên nhiên có tác hại rất lớn. Việc này không chỉ hủy diệt loài giun mà tất cả hệ sinh thái trong đất và nguy hại đến tính mạng con người và vật nuôi. Trước đây chúng ta đánh tôm cá bằng kiểu truyền thống như lưới, bằng dậm, bằng đơm, hệ sinh thái dưới nước ít bị ảnh hưởng và còn có sức tái tạo. Nhưng nay kích điện một cái là tất cả các sinh vật nhìn thấy và không nhìn thấy đều bị hủy diệt. Nếu cứ kích điện bắt giun thế này tôi đảm bảo rằng năng suất cây trồng trong tương lai sẽ giảm, đất đai sẽ bị sa mạc hóa bởi bộ máy chế biến của toàn bộ sinh thái trong nó sẽ tê liệt, có khi đất lại trở thành đá.
Hàng vạn vi sinh vật chết theo
GS.TS Đỗ Kim Chung cho biết, khi sử dụng kích điện, không chỉ có giun bị hại mà hệ sinh thái trong đất hoàn toàn bị hủy diệt. Dưới đất có hàng vạn loại sinh vật khác nhau, riêng loài giun đã có hơn 2.500 loài. Giun giúp cho việc cày xới đất, tạo độ thông thoáng cho đất, dẫn oxy xuống cho hệ sinh vật trong đất, tạo cho cây sống và phát triển được. Giun còn là cỗ máy chế biến rất giỏi, biến đất axit, đất kiềm thành trung tính. Giun là hệ đệm giải quyết đất chua, đất kiềm. Không chỉ thế nó còn giúp cho đất giữ được độ ẩm. Đất trồng trọt mà không có giun thì là đất xấu. Một khi chúng bị chết đi sẽ làm cho độ phì của đất giảm, đất chai hơn thậm chí bị hủy diệt, môi trường trồng trọt hỏng, môi trường chăn nuôi cũng khó tồn tại được.
Giun đất là một chỉ thị sinh học để đánh giá chất lượng của đất. Chỗ nào xuất hiện nhiều giun thì đất ở đó tốt, tơi xốp và ngược lại. Giun đồng thời cũng là chỉ thị sinh học để đánh giá chất lượng môi trường bởi chúng thường tìm đến những nơi không bị ô nhiễm để sinh sống. Tận diệt giun đất sẽ làm mất cân bằng sinh thái, hủy diệt chính môi trường sống của con người. Đây là hành động cần phải ngăn chặn ngay, trước khi quá muộn.
Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp bởi công nghiệp hóa, trong khi nhu cầu lương thực ngày càng tăng, hành động hủy diệt môi trường này tiềm ẩn những nguy cơ không thể khắc phục trong tương lai. Không một loại phân bón, hóa chất, công nghệ nào có thể tái tạo được đất đã bị diệt sạch vi sinh vật.
Theo các chuyên gia, phải cảnh tỉnh cho mọi người thấy mối nguy hại trước mắt và lâu dài của việc bắt giun bằng phương pháp hủy diệt này. Phải sửa lại một số điều luật bảo vệ môi trường bằng việc cấm các hành vi khai thác, sử dụng bằng các biện pháp kích điện gây tổn hại đến môi trường và chất lượng. Phải xây dựng quy trình và phương pháp nuôi giun đất, hướng dẫn người nuôi đăng ký và thực hiện truy xuất nguồn gốc để quản lý phân biệt giữa giun nuôi và giun bắt bằng biện pháp hủy diệt.