Đặt máy tạo nhịp tại phòng sinh cứu trẻ tim bẩm sinh nặng nhờ sàng lọc

Nhờ sàng lọc phát hiện sớm dị tật nên BV Phụ Sản Hà Nội phối hợp với BV Nhi Trung ương thực hiện đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh cho bé bị tim bẩm sinh nặng, được chẩn đoán Block nhĩ thất độ III từ trong thai kỳ.

Hội chẩn liên viện từ trong bào thai với quyết tâm cứu thai nhi

Sản phụ T.L (33 tuổi, Hà Nội) tiền sử bị lupus ban đỏ 6 năm nay. Chị L. khám thai tại phòng khám tư, đến tuần 22 phát hiện em bé có tình trạng rối loạn nhịp tim thai. Thông thường, tim thai dao động từ 120 - 160 lần/phút nhưng thai nhi lại có nhịp tim rất chậm, dao động 50-60 lần/phút. Chị tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được theo dõi tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh.

Qua hội chẩn ngày 14/8, TS. BS. Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh nhận định, thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng block nhĩ thất cấp III.

Bác sĩ hai bệnh viện nối liền 2 cuộc mổ ngay để cứu bé

Bác sĩ hai bệnh viện nối liền 2 cuộc mổ ngay để cứu bé

Với tình trạng bệnh rất nặng, sản phụ tiếp tục điều trị lupus ban đỏ và được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4 để theo dõi sát sao tình trạng thai nhi.

Thông qua hội chẩn liên viện, hội đồng cân nhắc việc chuyển viện sau sinh cho em bé: Mặc dù khoảng cách giữa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương rất ngắn nhưng nếu thực hiện chuyển viện ngay sau sinh, em bé sẽ đối mặt với nguy cơ trụy tuần hoàn, trụy tim mạch do nhịp tim thấp, sức khỏe không tốt do chậm phát triển trong tử cung từ trong thời kỳ bào thai.

Với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết, có thể đưa nhịp thất của bé trở về bình thường, từ đó em bé sẽ cải thiện được tình trạng bệnh lý.

Hội đồng thống nhất xin ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội - GS.TS.BS.Nguyễn Duy Ánh và Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - PGS.TS Trần Minh Điển, cử một ekip bác sĩ tim mạch và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, đứng đầu ê kíp là TS.BS.Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với bác sĩ chẩn đoán trước sinh, sản bệnh, gây mê hồi sức, sơ sinh, huyết học của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để phối hợp thực hiện ca mổ đặt máy tạo nhịp tim cho em bé ngay sau sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Theo như dự kiến sẽ cố gắng giữ thai nhi trong bụng mẹ đến tuần 37 để em bé đủ trưởng thành và trải qua cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên đến thời điểm 35 tuần, chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh, qua siêu âm bác sĩ phát hiện có tình trạng suy chức năng tim, tràn dịch màng tim số lượng rất nhiều, có tình trạng chèn ép tim ở buồng tim phải và đặc biệt có tình trạng thay đổi theo chiều hướng xấu Doppler ở thai. Tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung ngày càng nặng.

Trẻ được hồi sức tích cực ngay sau sinh

Trẻ được hồi sức tích cực ngay sau sinh

Sau khi hội chẩn, GS.Nguyễn Duy Ánh đã quyết định cần mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi. 15h ngày 9/10, công tác chuẩn bị tại phòng mổ vô cùng khẩn trương, tất cả phải đảm bảo các yếu tố về điều kiện phẫu thuật, các quy định ngặt nghèo về vô trùng để thực hiện một ca phẫu thuật tim nhi khoa ngay tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

TS.BS Trần Thế Quang, ThS. Nông Thị Thúy Hòa cùng các cán bộ y tế khoa Gây mê hồi sức tự nguyện, Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh phối hợp với ekip bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương lên phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cần thiết. Kíp chuẩn bị đã làm việc liên tục cả đêm để đến 7h sáng ngày 10/10, 2 cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành liên nối tiếp nhau.

8h20 ngày 10/10, TS.BS Đỗ Tuấn Đạt, Trưởng khoa Sản bệnh A4 cùng ekip mổ đã thực hiện ca mổ lấy thai, em bé nặng 2150g cất tiếng khóc chào đời. Ngay khi cất tiếng khóc, nhịp tim của em bé rất thấp khoảng 50 lần/phút, trong quá trình hồi sức nhịp thất có khi xuống 35 lần/phút. Với tình trạng như vậy, nếu thực hiện chuyển viện, bệnh nhi sẽ có tình trạng nguy kịch trên đường đi. Rất nhanh chóng, em bé được đặt ống nội khí quản, làm xét nghiệm, siêu âm tim, đánh giá tình trạng nhịp, tình trạng bệnh được các bác sĩ kiểm soát hoàn toàn.

Thai nhi được các bác sĩ tim mạch Bệnh viện Nhi Hồi sức tích cực

Thai nhi được các bác sĩ tim mạch Bệnh viện Nhi Hồi sức tích cực

Ekip phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương do TS. BS. Nguyễn Lý Thịnh Trường đứng đầu đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho em bé.

Sau khi được đặt máy tạo nhịp thành công, nhịp thất lên 120 lần/phút, em bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị. 14 ngày sau cuộc phẫu thuật, nhịp tim của em bé đã trở về ổn định sau khi có sự hỗ trợ của máy tạo nhịp, đồng thời em bé đã được ghép mẹ, tình trạng sức khỏe ổn định để có thể tiếp tục theo cuộc điều trị sau này.

Nhờ sự phát triển của y khoa và quá trình theo dõi chăm sóc thai kỳ đầy đủ đã giúp phát hiện các trường hợp thai kỳ bất thường và có giải pháp theo dõi, can thiệp kịp thời và phù hợp nhằm tăng cơ hội sống tốt, sống khỏe mạnh cho trẻ ngay sau sinh. Đối với các trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh nặng, cần can thiệp ngay sau sinh để tăng cơ hội sống cho em bé. Đôi khi, nếu đợi đến chuyển viện, có thể bỏ lỡ thời điểm vàng can thiệp tốt nhất cho trẻ.

Sàng lọc phát hiện sớm trong bào thai giúp trẻ khỏe mạnh

TS.BS.Đinh Thúy Linh cho biết, hiện nay trong các bất thường bẩm sinh ở trẻ thì tim bẩm sinh là một trong các bệnh lý có tỷ lệ xuất hiện cao nhất (khoảng 1%), ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5-2% trẻ mới sinh ra, trong đó trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh khoảng hơn 1,700 ca.

Đa số các trường hợp tim bẩm sinh trẻ cần phải phẫu thuật sau sinh, nhiều bệnh lý tim bẩm sinh nặng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ ở nhiều chuyên ngành trong hồi sức, cấp cứu trẻ ngay sau sinh. Vì vậy, siêu âm sàng lọc, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh ngay trong thời kỳ bào thai đóng 1 vai trò hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, trung bình cả nước mới có khoảng 30% số trẻ em được sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh và đa phần ở các thành phố lớn và khi phát hiện thì em bé đã ở tuổi thai rất muộn. Do đó, có những trường hợp em bé bị dị tật rất nặng, có khả năng can thiệp trước sinh và điều trị sau sinh nhưng vì để muộn nên không có phương án nào có thể “cứu” được bé cả.

Ngày nay, với nền y học tiên tiến, cha mẹ có thể phát hiện các dị tật ở thai nhi ngay từ trong bụng mẹ từ rất sớm. Với kỹ thuật sàng lọc không xâm lấn NIPT được thực hiện từ tuần 10-25 của thai kỳ, NIPT phân tích DNA tự do của thai nhi có trong máu mẹ, an toàn tuyệt đối cho thai nhi, độ chính xác 99% có thể sàng lọc được các bệnh lý dị tật nhiễm sắc thể. NIPT giải mã toàn bộ 23 cặp NST của thai nhi, sàng lọc chính xác các bệnh lý: Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Patau, Các bất thường nhiễm sắc thể giới tính, Các bất thường nhiễm sắc thể khác; Một số hội chứng vi mất đoạn nhiễm sắc thể.

Em bé ổn định sau phẫu thuật

Em bé ổn định sau phẫu thuật

Hơn nữa, sàng lọc NIPT không chỉ an toàn mà so với Double test, Triple test thực hiện sớm hơn, cho kết quả sàng lọc chính xác hơn. Chẳng hạn, với hội chứng Down có thể phát hiện được > 99% trong khi tỷ lệ này ở xét nghiệm Combined test là khoảng 85% và ở Triple test là khoảng 70%.

"Việc khám thai, siêu âm và xét nghiệm sàng lọc trước sinh vô cùng quan trọng, không chỉ giúp phát hiện dị tật bẩm sinh cho thai nhi mà còn giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi. Có 3 mốc khám thai "vàng" trong thai kỳ mẹ nhất định không được bỏ lỡ:

Mốc 1: thai được 11 tuần – 13 tuần: thời điểm xác định tuổi thai chính xác nhất: Phát hiện sớm bất thường về hệ thần kinh trung ương (thai vô sọ, não lộn ngoài,...), thoát vị rốn, khe hở thành bụng, một số dị tật về tay chân. Siêu âm đo khoảng sáng sau gáy kết hợp sàng lọc Combined hoặc xét nghiệm NIPT phát hiện hội chứng rối loạn di truyền như Down, Edwards, Patau,...

Mốc 2: thai được 21 - 24 tuần: Siêu âm giúp phát hiện hầu hết các dị dạng, bất thường hình thái ở thai nhi. Đặc biệt, đây là giai đoạn thích hợp nhất để sàng lọc bệnh lý tim bẩm sinh.

Mốc 3: thai được 28 - 32 tuần: Siêu âm đánh giá sự phát triển của thai trong tử cung và tiên lượng cho cuộc đẻ; Khảo sát tiếp một số bất thường khác ở thai nhi như bất thường ở động mạch, tim hoặc một vùng cấu trúc bên trong não." - TS.BS Đinh Thùy Linh khuyến cáo

Theo Đời sống
back to top