80 học viên được đào tạo theo 3 khóa gồm kỹ năng làm tóc cơ bản, kỹ năng làm tóc nâng cao và quản lý tiệm tóc. Qua đó nhằm giúp mang đến cho các nữ học viên có hoàn cảnh khó khăn cơ hội thay đổi cuộc sống với nghề làm đẹp.
Hơn 2.500 phụ nữ sống trong điều kiện khó khăn đã được hưởng lợi từ chương trình đào tạo “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp". (Ảnh minh họa) |
Ông Vương Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang nhận xét: "Mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với tinh thần vượt khó của các bạn trẻ thuộc các dân tộc tỉnh Hà Giang, các học viên đã quyết tâm hoàn thành chương trình học và đều có việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Chính điều này sẽ giúp các bạn trẻ khác tiếp tục theo đuổi ngành nghề mới này, mạnh mẽ tiếp cận những kỹ thuật mới để bước ra thế giới làm thay đổi cuộc sống mình hạnh phúc hơn trong khi thực hiện công việc làm đẹp cho đời".
Chương trình được chính thức triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ đầu năm 2020. Sau khi tỷ lệ tốt nghiệp, hơn 45% học viên mở tiệm tóc tại địa phương, góp phần phát triển ngành dịch vụ tóc tại các địa phương tại khu vực miền núi phía Bắc và giúp tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động trẻ.
Hơn 2.500 phụ nữ sống trong điều kiện khó khăn, hoặc bị bạo hành, hoặc không nơi nương tựa, một mình nuôi con, các em gái bị sa vào bẫy buôn người, bị chà đạp nhân phẩm… đã được hưởng lợi từ chương trình đào tạo “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp”.
Chương trình đã nhận được bằng khen của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và trong năm 2020, chương trình nhận Giải thưởng xuất sắc về hoạt động nâng quyền phụ nữ khu vực châu Á do Tổ chức Pinacle bình chọn.