Bên cạnh đó, ông còn nhắc đến “đạo lý”, “lương tâm”, “lương tri” của cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm phụng sự, của doanh nghiệp, doanh nhân.
Những điều đó không mới, nhưng ấn tượng là bởi nó được thốt ra từ một doanh nhân, thuộc lực lượng mà trong hình dung thông thường của xã hội là chỉ biết chăm bẵm kiếm lời.
Và câu chuyện “đạo đức”, mà ông chủ Trung Nguyên đã mở lời, là mối quan tâm thường trực, không của riêng ai.
Người ta nôn nóng về đạo đức nhà giáo khi dồn dập ngành giáo dục xảy ra liên miên chuyện đau lòng. Nào thì thầy giáo sờ soạng học sinh, cô giáo có quan hệ yêu đương với nam sinh vị thành niên, gian lận điểm thi, bạo lực trường học, v.v…
Người ta lo lắng về y đức, hay đạo đức thầy thuốc khi “vật hộ thân” phong bì vẫn là chiếc cầu nối quen thuộc trong mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân. Lời thề Hippocrates nhiều khi trở nên mong manh.
Và bên cạnh lời thề Hippocrates, một bộ quy tắc đạo đức khác mà xã hội từ lâu đã thấy cần được xây dựng. Đó là bộ quy tắc đạo đức cho người hành nghề luật, và thậm chí nhiều nước cũng bắt người tham gia giới luật phải tuyên thệ.
Nếu y đức đòi hỏi y, bác sĩ dù bất cứ thế nào cũng phải vì lợi ích của người bệnh, thì quy tắc đạo đức nghề luật yêu cầu giới luật sư “độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan” để luôn “xứng đáng với sự tin cậy của xã hội” (Trích quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam).
Pháp luật bảo vệ các giá trị đạo đức. Ảnh minh họa |
Đương nhiên, lương tâm và trách nhiệm sẽ còn nặng nề hơn đối với đội ngũ làm luật. Bởi pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành của nền đạo đức. Pháp luật bảo vệ các giá trị đạo đức, do đó nếu ngay chính việc xây dựng pháp luật cũng bị chi phối bởi những động cơ, lợi ích thiếu trong sáng, các giá trị đạo đức sẽ bị xói mòn.
Giải quyết vấn đề này, pháp luật về xây dựng và ban hành văn bản pháp luật ở nước ta cũng đã đưa một quy trình lập pháp, lập quy bài bản. Trong đó, có hai điểm nhấn.
Một, cần công bố công khai bản thảo để lấy ý kiến rộng rãi. Đặc biệt, việc đăng lên trang web lấy ý kiến chung của Chính phủ và nhiều kênh khác là một bước cải tiến nhằm minh bạch hóa quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Điều này đã nhận được nhiều ủng hộ, kể cả của các diễn đàn quốc tế.
Và hai, cần tổ chức lấy ý kiến xã hội và cộng đồng, cụ thể là của các bên có liên quan.
Nhưng tiếc thay, không ít trường hợp, quy trình và yêu cầu đó trên thực tế được triển khai theo cách nhằm hợp lý hóa, và thậm chí hợp pháp hóa hồ sơ giải trình, đệ trình ban hành là chính. Để một quy định thành hình, người ta vẫn thấy những bản dự thảo được công bố, những buổi hội thảo, hội nghị và họp mặt lấy ý kiến. Cũng có thành phần, cũng có biên bản, cũng có báo, giải trình… nhưng thực chất vấn đề tuỳ thuộc vào việc các bên tham gia là ai, ý kiến đóng góp là gì và các tài liệu đã ghi nhận, phản ánh ra sao. Điều đó tuỳ thuộc rất lớn vào tính minh bạch của tiến trình làm luật, vào lương tâm và trách nhiệm của những người đã đề xuất và tham gia.
Tiếc thay, sự kỳ vọng của xã hội đôi khi trở thành xa xỉ. Những trục trặc trong tiến trình lập pháp, lập quy đôi khi khá lạ kỳ được đoán già đoán non là do lợi ích nhóm chi phối. Trong một hội thảo mới diễn ra gần đây, có chuyên gia kinh tế phải thốt lên rằng “Bộ Tư pháp cho biết có tới 50% văn bản dưới luật trái với luật. Hiện nay các nhóm lợi ích chi phối rất nhiều, chi phối cả thể chế. Cấp Bộ được soạn nghị định thì các ông giành quyền lợi cho bộ mình chứ không nghĩ đến lợi ích quốc gia”.
Còn thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần gọi tên hiện trạng này, và tuyên bố cần phải “chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế”, chống sự chi phối đó trong hoạch định chính sách.
Câu chuyện đạo đức, lương tâm và trách nhiệm thật đáng để lưu tâm, đặc biệt đối với hoạt động xây dựng pháp luật – nền tảng trọng yếu để xây dựng và gìn giữ đạo đức của mỗi cá nhân, của toàn xã hội.
Trương Trọng Hiểu, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG Tp.HCM)