<div> <p style="text-align: justify;">Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 diễn ra hồi tháng 6. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, một số ngành đặc thù được quyền nghỉ sớm hoặc muộn hơn.</p> <p style="text-align: justify;">Chiều 6/8, báo cáo giải trình tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban các vấn đề về xã hội, Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, do được đa số đại biểu đồng ý nên Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ còn một phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đó là phương án từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng tuổi hưu với nam, 4 tháng với nữ để đạt tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 vào năm 2035 và nam là 62 vào năm 2028. </p> <p style="text-align: justify;">Theo ông Diệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. </p> <p style="text-align: justify;">Ví dụ, một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non... sẽ được quy định theo hướng khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp. Trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm.</p> <p style="text-align: justify;">Bộ cũng sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định quyền nghỉ hưu muộn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Nguyên tắc là người nghỉ hưu muộn hơn chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; và cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.</p> <p style="text-align: justify;">"Dự kiến tháng 9/2019 Bộ sẽ hoàn thành danh mục những ngành nghề được nghỉ hưu sớm hay muộn hơn", ông Diệp cho hay.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Công nhân làm việc trong hầm lò ở Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hà" src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/07/mothan8-257401-1368796148-500x-1655-6773-1565097652.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Công nhân làm việc trong hầm lò ở Quảng Ninh. Ảnh: <em>Hoàng Hà</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm sự bình đẳng, bảo đảm quỹ bảo hiểm xã hội ổn định lâu dài. Tuy nhiên, ông cho rằng, đối với những ngành nghề được nghỉ hưu sớm, ban soạn thảo mới nói đến tính chất nghề nghiệp, một số công việc độc hại, nguy hiểm... mà chưa tính đến địa bàn khó khăn.</p> <p style="text-align: justify;">"Địa bàn rất quan trọng. Ở nhiều nước, nếu đúng địa bàn có yếu tố tác động về thời tiết, khí hậu thì mức lương, điều kiện khác hẳn những nơi khác. Vì thế, tôi đề nghị nghiên cứu và bổ sung thêm yếu tố địa bàn trong quá trình xây dựng danh mục ngành nghề đặc thù", ông Chu nói.</p> <p style="text-align: justify;">Đại biểu Đỗ Thị Lan (trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Ninh) đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu như hiện tại đối với lao động hầm lò, ngành than, tức là 50 với nam và 45 với nữ. Bà Lan phân tích, nếu như dự thảo bộ luật quy định lao động hầm lò được nghỉ sớm 10 năm thì nữ cũng phải 50 và nam 52 tuổi mới được nghỉ hưu. Qua các hội thảo xin ý kiến cho dự án luật, có nhiều đối tượng không muốn nữ giới phải làm việc tới 60 tuổi. Vì vậy, bà đề nghị ban hành sớm danh mục ngành nghề nặng nhọc, đặc thù để không còn tình trạng có nơi người dân không đồng tình với việc sửa đổi Bộ luật lao động.</p> <p style="text-align: justify;">"Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm phương án thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, có thể quy định công chức, viên chức thực hiện từ 2021 như dự thảo, còn lại sắp xếp và thực hiện ở lộ trình sau", bà Lan nói.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Đại biểu Đỗ Thị Lan, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ninh. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội" src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/07/201806131739529943-23-do-thi-l-6340-9301-1565091680.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ninh. Ảnh: <em>Trung tâm báo chí Quốc hội</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;"><strong>Vấn đề tiền lương cũng được nhiều đại biểu nêu ý kiến.</strong> Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho rằng, sửa đổi Bộ luật Lao động mà không nói đến tiền lương thì chưa ổn. "Phải đề cập đến tiền lương và thể hiện đây là chính sách cơ bản, bảo đảm cho người lao động có thu nhập, nâng cao mức sống, tái sản xuất sức lao động", ông nói.</p> <p style="text-align: justify;">Bí thư quận 1 (TP HCM) Trần Kim Yến đề nghị dự luật làm rõ mối quan hệ giữa tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Theo bà, có những người tham gia thị trường lao động muộn, thời gian làm chưa nhiều nhưng đã hết tuổi lao động, nhưng cũng có người tham gia lao động sớm, đợi đến tuổi hưởng lương hưu thì sức khoẻ không còn, nếu nghỉ sớm bị trừ tiền thì sẽ thiệt thòi cho người lao động.</p> <p style="text-align: justify;">Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở các nước đều vấp phải phản ứng của người lao động. Khi làm luật, ban soạn thảo cũng phải nghiên cứu cả những nước tăng tuổi hưu thất bại lẫn những nước thành công. "Bài học là muốn nâng tuổi nghỉ hưu phải điều chỉnh khi nguồn lao động còn dồi dào và tăng chậm trong nhiều năm", ông Dung nói.</p> <p style="text-align: justify;">Dự án bộ Luật Lao động sửa đổi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm nay.</p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>