Đánh giá tác động môi trường phải được công khai

(khoahocdoisong.vn) - Xung quanh những lùm xùm về dự án Tam Đảo II được đăng tải trên báo chí thời gian qua là vấn đề đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cho thấy những bất cập của công tác ĐTM trong các dự án có tác động lớn đến thiên nhiên.

Xung quanh những lùm xùm về dự án Tam Đảo II được đăng tải trên báo chí thời gian qua là vấn đề đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cho thấy những bất cập của công tác ĐTM trong các dự án có tác động lớn đến thiên nhiên.

Đánh giá sơ sài

Báo cáo Đánh giá tác động môi trường ĐTM ( tiếng Anh là EIA) là việc phân tích, dự báo các tác động của dự án đầu tư đến môi trường để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó. Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường, từ đó có thể đề ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả nhằm đạt các tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho rằng, đánh giá ĐTM hiện nay có rất nhiều bất cập, vẫn để tình trạng các công trình, dự án gây ra hậu quả môi trường nghiêm trọng, thậm chí là gây ra tác động xã hội xấu. Từ lâu, các nhà khoa học đã nói đến những bất cập của ĐTM, đặc biệt là khi làm ĐTM, người ta ít chú ý đến những tác động đến môi trường xã hội (tác động đến con người, xã hội) nếu không nói là rất yếu kém.

Muốn đánh giá tốt thì cơ quan quản lý phải có hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn văn bản quy phạm pháp luật, có những hướng dẫn chi tiết để đánh giá từng loại công trình, dự án. Từ xưa đến nay chúng ta có thói quen là giao hẳn cho chủ đầu tư, chủ đầu tư dùng tiền của mình thuê ông tư vấn, mà ông tư vấn ấy cũng không có năng lực tốt. Phải là các chuyên gia thì mới đánh giá được ĐTM. Mà phải là chuyên gia đúng chuyên ngành, người giỏi về tài nguyên nước làm sao giỏi về không khí được. Ở mỗi công trình, nguy cơ tác động của nó đối với môi trường và xã hội thế nào phải có chuyên gia tương xứng để đánh giá. “Từ lâu tôi vẫn nói, những công trình phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, cần có các nhà tư vấn độc lập. Nếu không, không thể đánh giá được môi trường. Nhưng gần như không có đơn vị nào làm được. ĐTM được làm qua quýt cho có, để hoàn tất thủ tục của dự án, hơn là thực hiện một cách thực sự bài bản”, TS Lê Bắc Huỳnh cho biết.

Phải được công khai theo luật

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho rằng, việc Bộ TN&MT không cung cấp và công khai bản Báo cáo ĐTM Dự án Tam Đảo II (và rất nhiều dự án khác) là sai lầm, tự làm khó mình và chuốc lấy điều tiếng. Theo đó, điều 131, công khai thông tin môi trường (Luật Bảo vệ Môi trường 2014). Thông tin môi trường phải được công khai gồm: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Các báo cáo về môi trường; Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin, bao gồm cả Bộ TN&MT, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm này. Việc tiếp cận thông tin với các ĐMT của nhiều dự án là rất khó khăn, đặc biệt với các dự án có nguy cơ tác động môi trường lớn được dư luận quan tâm. “Chúng tôi và nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã cố gắng thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thành công. Cũng có nhiều phê phán về tính hiệu quả của công cụ đánh giá tác động môi trường, cho rằng chỉ mang tính “trang trí”, chất lượng kém do copy từ dự án này sang dự án khác… Nhưng chính vì thế, việc công khai thông tin lại càng quan trọng”, ông Trịnh Lê Nguyên cho biết.

Bảo Khánh

Box

“Xảy ra tình trạng tàn phá thiên nhiên để phát triển du lịch, phần lớn do khâu thực thi chính sách. Bên cạnh đó là thiếu minh bạch trong quá trình thẩm định, cấp phép, đánh giá tác động môi trường...”, ông Trịnh Lê Nguyên

Theo Đời sống
back to top