Chưa có quy định cụ thể
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay các công trình xây dựng tập trung đông người trên địa bàn thành phố phát triển nhanh làm cho mật độ dân số tăng cao, do vậy hệ thống hạ tầng giao thông không thể đáp ứng. Nguyên nhân là do các dự án này chưa được đầu tư đúng quy hoạch dẫn đến giao thông khu vực xung quanh quá tải, đặc biệt tại các trục đường chính và cửa ngõ ra vào TPHCM.
Để giải quyết vấn đề này, tại các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình hoặc quyết định phê duyệt quy hoạch, UBND TPHCM và các sở, ngành đề nghị chủ đầu tư liên hệ với Sở GTVT TPHCM để thực hiện đánh giá nhằm kiểm tra, đưa ra biện pháp giảm thiểu TĐGT. Mục đích là để khi công trình đưa vào khai thác không gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá TĐGT. Do đó, để triển khai thực hiện, Sở GTVT TPHCM cho rằng, cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá TĐGT để nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trước đó, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT ban hành quy định bắt buộc chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình xây dựng lớn phải thiết kế phương án kết nối giao thông vào đường quốc lộ, đường chính trong đô thị. Từ đó, tính toán nhu cầu giao thông phát sinh của công trình, đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông. Trong thời gian Bộ GTVT chưa ban hành quy định trên, Sở GTVT TPHCM đã xây dựng hướng dẫn đánh giá TĐGT và có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM cho biết, đối tượng thực hiện đánh giá được chia thành bốn nhóm bao gồm: Nhóm công trình đầu tư xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt; dự án đầu tư xây dựng công trình kết nối giao thông trực tiếp với hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch; dự án đầu tư xây dựng công trình đã được chấp thuận báo cáo đánh giá nhưng sau thời gian năm năm không thực hiện dự án sẽ được yêu cầu đánh giá lại; dự án đầu tư xây dựng công trình cần điều chỉnh quy hoạch do thay đổi phạm vi, công suất tăng hơn 20% tổng diện tích nhu cầu sử dụng đất, công suất của quy hoạch. Phạm vi đánh giá tác động giao thông bao gồm, Khu vực nội thành bao gồm các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú sẽ là 5km. Quận ngoại thành sẽ đánh giá trong vòng 3km.
Trong đó, các dự án được đầu tư buộc phải đánh giá gồm: Dự án khu công nghiệp, cảng, logistics, dự án khu đô thị, dự án chung cư hoặc khu nhà ở thấp tầng (diện tích sàn tối thiểu 50.000m2 hoặc tối thiểu 500 đơn vị nhà ở); dự án trường học, dự án trung tâm thương mại, siêu thị (diện tích sàn tối thiểu 10.000m2); dự án văn phòng làm việc (tối thiểu 15.000m2), dự án nhà nghỉ khách sạn, nhà hàng tiệc cưới, bệnh viện, phức hợp… Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô dưới ngưỡng có lối tiếp cận giao thông trực tiếp với các tuyến đường giao thông chưa đầu tư, thường xuyên ùn tắc giao thông cũng sẽ làm đánh giá.
Cần có tiêu chí cụ thể về đảm bảo hạ tầng, đảm bảo giao thông để việc đánh giá TĐGT là chính xác. |
Lo hình thành “giấy phép con”
Về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, chuyện đánh giá tác động giao thông đối với công trình thật ra không mới và đã có lâu nay rồi, nó nằm trong quy hoạch. Đơn vị thực hiện việc này là Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) TPHCM. Cụ thể, trước khi cấp phép cho một dự án nào đó thì phải căn cứ vào mật độ dân cư, mật độ dân số. Quy hoạch thì được phê duyệt bởi TPHCM và trong đó đã có sự tham mưu của ngành giao thông.
Tức là nếu làm đúng theo quy hoạch, một dự án - công trình được cấp trong khu vực đã có quy hoạch thì đã thỏa mọi thứ về cao tầng, số căn hộ, chỉ tiêu dân cư, mà chỉ tiêu dân cư thì cũng căn cứ vào quy hoạch của giao thông. Đó là một sự thống nhất. Không nên xem quy hoạch là chuyện riêng của Sở QH&KT, giao thông là chuyện của giao thông vì nó làm suy yếu đi câu chuyện quy hoạch đô thị. Theo tôi, phải có sự đồng bộ, vì nếu không làm tốt, việc phải chạy qua Sở GTVT TPHCM để làm đánh giá tác động giao thông không khéo sẽ hình thành một “giấy phép con”.
"Mọi quy định như tôi đã nói ở trên về chỉ tiêu dân số, mật độ, giao thông… đều thể hiện trong quy hoạch và điều chúng ta cần bàn là làm sao để làm đúng quy hoạch. Nếu ai làm sai quy hoạch thì phải chịu trách nhiệm, chứ không nên xem việc phải đánh giá tác động giao thông là điều gì mới mẻ, nó là một thành tố đã nằm tất cả trong quy hoạch", TS Đinh Thế Hiển cho hay.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam cho rằng, trước nay chúng ta bị phê phán nhiều vì làm chưa tốt công tác đánh giá tác động giao thông. Quy hoạch đô thị và phát triển đô thị thì nhất thiết phải có quy hoạch giao thông đi cùng. Trong khi đó, hiện nay quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Ví dụ, khi làm một trường học, bệnh viện, ngành giao thông và ngành quy hoạch phải ngồi lại với nhau để bàn bạc. Cụ thể, làm sao khi xây dựng xong, các xe đi vào bệnh viện hay trường học đó phải có phương án lưu thông dòng xe, không gây ùn tắc cho khu vực.
Tuy nhiên, hiện hình ảnh dễ thấy tại một khu công nghiệp được dựng lên, là một cao ốc hàng ngàn hộ mọc lên, kéo theo số lượng lớn người dân vào ở, sinh hoạt, làm việc… và gây nên cảnh ùn tắc, kẹt xe cục bộ tại khu vực xung quanh đó. Các công trình tập trung đông người thì phải tính toán giao thông đối nội và giao thông đối ngoại.
Điều cần lưu ý nữa là phải có tiêu chí cụ thể như thế nào là đảm bảo hạ tầng, đảm bảo giao thông để việc đánh giá là chính xác. Phải tránh được câu chuyện đường đó sáng kẹt nhưng chiều thông, cuối tuần không ùn tắc bằng ngày thường… Điều này sẽ rất khó khăn cho công tác đánh giá TĐGT.